Bất đồng quanh chuyện mua bán tiêm kích tàng hình đa năng F-35 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ liên quan đến việc Thổ Nhĩ Kỳ thỏa thuận mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga ngày càng nóng và căng thẳng.
Ngày 23-4, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cảnh cáo nếu không thể mua được tiêm kích tàng hình F-35 từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tìm mua “công nghệ tốt nhất” để thay thế từ nơi khác.
“Tại sao chúng tôi mua S-400? Vì chúng tôi cần gấp một hệ thống phòng không. Chúng tôi sẵn sàng là đối tác trong chương trình sản xuất F-35, chúng tôi tham gia vào dự án này, chúng tôi đã chi khoản cần thiết. Hiện tại không có vấn đề gì với điều này. Nhưng nếu viễn cảnh xấu nhất xảy ra, chúng tôi sẽ phải tìm cách thỏa mãn nhu cầu của mình tại một nơi khác, nơi đề nghị các công nghệ tốt nhất”, ông Cavusoglu nói với báo chí ngày 23-4.
Tiêm kích tàng hình đa năng F-35 do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất. Ảnh: REUTERS
Đầu tháng này, ông Cavusoglu nói Thổ Nhĩ Kỳ có thể mua thêm nhiều khí tài quân sự nữa từ Nga, bao gồm cả một loại máy bay thay thế cho F-35 nếu Mỹ cứ nhất quyết không chuyển giao F-35 cho mình.
“Có F-35, nhưng cũng có máy bay được sản xuất tại Nga. Nếu chúng tôi không thể mua được F-35, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mua máy bay tương tự một những nước khác”, đài RT dẫn lời ông Cavusoglu cho biết.
Trong ngày 23-4, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar ám chỉ nước này sẽ chuẩn bị sẵn một “kế hoạch B” phòng trường hợp thỏa thuận mua F-35 đổ vỡ.
“Chúng tôi có các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn”, RT dẫn lời ông Akar nói.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể thay thế F-35 bằng Su-35 hoặc Su-57
Nhiều nhà phân tích quân sự cho rằng Mỹ có rủi ro đánh mất thị trường vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ nếu tiếp tục trì hoãn chuyển giao F-35. Thổ Nhĩ Kỳ có thể đơn giản chuyển sang mua tiêm kích hạng nặng, tầm xa, đa năng Su-35, theo các nhà phân tích.
“Nếu Mỹ không chuyển giao máy bay, Thổ Nhĩ Kỳ có thể mua Su-35 từ Nga để thay vào”, chuyên gia phân tích quân sự Nga Viktor Litovkin nói với RT.
F-35 của Mỹ (trái) và Su-35 của Nga (phải). Ảnh: REUTERS
Theo ông Litovkin, cả hai loại máy bay có đặc điểm tương đồng nhau. Tuy nhiên Nga ít có rủi ro rò rỉ công nghệ quân sự nhạy cảm hơn vì phần mềm của Su-35 khó xâm nhập hơn. Hơn nữa, Su-35 dễ dàng tích hợp với các máy bay chiến đấu khác của Thổ Nhĩ Kỳ.
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin nước này có khả năng sẽ mua tiêm kích tàng hình đa năng Su-57 của Nga nếu Mỹ từ chối cung cấp F-35.
Theo ông Litovkin, việc Mỹ làm áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ về F-35 là “một dấu hiệu cạnh tranh không công bằng” để tăng doanh số bán hệ thống tên lửa phòng thủ đất đối không MIM-104 Patriot Pac 3. Ông Litovkin cho rằng Mỹ nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục đe dọa đồng minh chừng nào thấy mình còn có thể đe dọa, nhưng rồi sẽ đến lúc Mỹ phải nhượng bộ và chuyển giao F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ có thể trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì mua S-400
Tính đến thời điểm này, mới chỉ bốn trong 100 chiếc F-35 mà Thổ Nhĩ Kỳ thỏa thuận mua của Mỹ được Mỹ giao. Tuy nhiên số máy bay này vẫn đang đậu tại Mỹ do vướng lệnh phong tỏa chuyển giao từ Thượng viện Mỹ, bốn phi công Thổ Nhĩ Kỳ đang được huấn luyện tại Mỹ.
Đầu tháng 4, Bộ Quốc phòng Mỹ đe dọa phong tỏa chuyển giao F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình sản xuất F-35 nếu nước này không bỏ thỏa thuận mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Mỹ lo ngại hệ thống S-400 của Nga không tương thích với hệ thống vũ khí của Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên, và có thể gây hại cho sự an toàn của những chiếc F-35.
Thượng viện Mỹ đang cân nhắc trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ theo tinh thần Luật Đối phó các kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA), nếu nước này không từ bỏ S-400.
Dự kiến Nga sẽ có đợt chuyển giao S-400 đầu tiên cho Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7. Ảnh: HURRIYET DAILY NEWS
Phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định hệ thống phòng thủ đất đối không S-400 không hề gây nguy hiểm cho chương trình F-35 hay hệ thống vũ khí của NATO. Để giảm bớt lo ngại của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất lập một ủy ban kỹ thuật nghiên cứu các đe dọa an ninh có thể có từ S-400. Tuy nhiên Mỹ không hứng thú với đề xuất này.
Thổ Nhĩ Kỳ trước sau vẫn bác bỏ đe dọa và tối hậu thư của Mỹ. Tháng trước, Tổng thống Recept Tayyip Erdogan nói việc Mỹ phản đối Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 “không liên quan gì đến NATO hay F-35 hay an ninh của Mỹ”. Nguyên nhân chính là Mỹ bất mãn với việc Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi một chính sách độc lập trong khu vực, đặc biệt về Syria.
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đưa tin khả năng nước này sẽ chuyển giao các hệ thống S-400 cho Qatar và Azerbaijan. Tuy nhiên Ngoại trưởng Cavusoglu khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ không hề có ý định này.
“Không có cuộc bàn bạc nào về kế hoạch đặt S-400 ở Qatar hay Azerbaijan. Chúng tôi chưa bao giờ bàn về đề tài này”, ông Cavusoglu nói.
Dự kiến Nga sẽ có đợt chuyển giao S-400 đầu tiên cho Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7.