Công ty công nghiệp quốc phòng nhà nước Roketsan của Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố kế hoạch tự thiết kế và phát triển tên lửa đất đối đất dẫn đường bằng công nghệ laser đầu tiên cho nước này, trang tin Defense News ngày 2-9 cho hay.
Roketsan sẽ phát triển tên lửa dẫn đường bằng công nghệ laser mang tên TRGL-230 và nhấn mạnh tên lửa này sẽ được sản xuất trong nước mà không có sự tham gia của nước ngoài.
Các quan chức quốc phòng tại Ankara nói rằng loại tên lửa này sẽ được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động quân sự mà Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành ở nước ngoài.
Máy bay không người lái Bayraktar TB2 của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP
Tên lửa TRGL-230 được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các máy bay không người lái Bayraktar TB2 và Bayraktar Akinci để tăng cường khả năng tấn công của lực lượng mặt đất Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Defense News, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang vận hành 75 chiếc TB2, một loại máy bay không người lái chiến thuật hoạt động ở độ cao tầm trung. Còn theo báo Sabah (Thổ Nhĩ Kỳ), phiên bản Akinci (cải tiến từ TB2) sẽ được đưa vào biên chế từ cuối năm 2020.
Các lãnh đạo Roketsan cho biết tập đoàn này đã khởi động những công việc đầu tiên liên quan tới tên lửa TRGL-230 từ tháng 4. Hiện tại, các chuyên gia đang thực hiện công đoạn thiết kế.
Một nguồn tin quốc phòng nói với Defense News rằng hiện tại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chưa sở hữu loại tên lửa nào tương tự TRGL-230. Các loại tên lửa sử dụng công nghệ dẫn đường bằng laser mà Ankara đang vận hành chỉ có thể được phóng từ trên không.
Đồng thời, đối với Thổ Nhĩ Kỳ, việc tự phát triển được coi là "một giải pháp ít tốn kém khi duy trì và vận hành".
Trước đó, trong lễ khánh thành Trung tâm nghiên cứu Công nghệ tiên tiến và công nghệ không gian tại trụ sở Roketsan hôm 30-8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã ca ngợi những nỗ lực của công ty này trong việc "nội địa hóa các công nghệ quan trọng".
Ông Erdogan cho rằng Ankara đang cuộc đua để nội địa hóa và "quốc gia hóa" các dự án phát triển vũ khí và chương trình không gian, trong đó có việc dần tự chủ nguồn vật liệu nổ.
Nền quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ từng phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thuốc nổ từ các đối tác châu Âu. Tuy nhiên, sau hành động quân sự ở miền bắc Syria hồi tháng 10-2019, Ankara đã không thể tiếp cận nguồn cung này và buộc phải chuyển hướng sang Trung Quốc, Nam Phi và các nước Đông Âu.
Một số nhân viên tại Roketsan cho biết mỗi năm, Thổ Nhĩ Kỳ cần 80 tấn hóa chất để dùng trong chế tạo vật liệu nổ. Công ty này tuyên bố sẽ tự đáp ứng được 55 tấn hóa chất trong số trên, hướng tới "chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài".
Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên trong khối NATO nhưng thường xuyên có nhiều bất đồng với Mỹ và châu Âu. Điển hình là vụ Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga bất chấp những cảnh báo từ Mỹ, xung đột lợi ích giữa Ankara và Washington liên quan tới lực lượng người Kurd ở Trung Đông hay mới đây nhất là căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp ở Địa Trung Hải.