Hôm 26-8, một quan chức ngoại giao cấp cao của Israel cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã cấp hộ chiếu cho hàng chục thành viên của Phong trào Kháng chiến Hồi giáo Hamas ở Istanbul, kênh Channel News Asia đưa tin.
Cụ thể, Đại biện Israel Roey Gilad cho biết Israel có bằng chứng cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp hộ chiếu và chứng minh thư cho nhiều thành viên của Hamas - tổ chức bị Mỹ, Israel và Liên minh châu Âu (EU) coi là tổ chức khủng bố.
Theo ông Gilad, con số người thuộc nhóm Hamas có thể lên đến hàng chục người.
Nhà ngoại giao Israel cho rằng động thái của chính quyền Ankara là "một nước đi không thân thiện" với Israel.
Bên cạnh đó, nhà ngoại giao Israel còn cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức và tài trợ cho các hoạt động khủng bố của Hamas - những hoạt động mà chính quyền Ankara trước đó đã phủ nhận.
Thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (phải) trong cuộc gặp hồi tháng 2 tại thành phố Istanbul. Ảnh: VOA
Ông Gilad cũng cho biết căng thẳng hiện tại đã làm mất khả năng hợp tác để khai thác khí đốt ở phía đông Địa Trung Hải.
Ngoài ra, ông còn thông tin rằng vào năm ngoái, Israel đã trao đổi với Thổ Nhĩ Kỳ rằng Hamas đang tiến hành những “hoạt động có liên quan đến khủng bố” tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Tuy nhiên, chính quyền Ankara đã không có bất kỳ hành động nào.
Mặc dù giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ có mối liên hệ sâu sắc về kinh tế, nhưng quan hệ của hai nước đi xuống trong những năm gần đây.
Đơn cử như việc cả hai nước đã trục xuất những nhà ngoại giao của nhau vào năm 2018 hay việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã nhiều lần lên án việc Israel chiếm đóng và đối xử tàn nhẫn với người Palestine ở Bờ Tây.
Trước đó, vào ngày 22-7, Tổng thống Erdogan đã tiếp đón thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh và các nhân vật Hamas cấp cao khác ở Istanbul lần thứ hai trong năm nay. Sự kiện này khiến Mỹ phản đối vì Hamas có liên quan đến những vụ bắt cóc và tấn công khủng bố. Sau đó, chính quyền Ankara đã lên tiếng bác bỏ chỉ trích này.
Hamas kiểm soát Dải Gaza từ năm 2007, trong khi Tổng thống Mahmoud Abbas kiểm soát chính quyền Philippines ở khu Bờ Tây. Kể từ đó đến nay, nhóm này đã tiến hành ba cuộc chiến tranh với Israel.
Phía Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Hamas là một phong trào chính trị hợp pháp được bầu chọn bằng phương thức dân chủ.
Hiện Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ chưa có phản hồi nào về sự kiện trên.