Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã ca ngợi một bước đột phá mới trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung và thị trường thế giới đã “thở phào” khi căng thẳng hai bên phần nào hạ nhiệt.
Ông Trump đã đồng ý ngưng đánh thuế đối với hàng nhập khẩu trị giá 250 tỉ USD của Trung Quốc, và phía Trung Quốc cũng “gật đầu” mua từ 40 tỉ đến 50 tỉ USD sản phẩm nông nghiệp Mỹ.
Trung Quốc (TQ) và Mỹ vừa đạt được thỏa thuận ở giai đoạn một. Ảnh: Getty Images
Tuy nhiên, vấn đề là chưa có một văn bản và chi tiết về thỏa thuận trên. Theo AP, kể cả truyền thông truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đã không đề cập lời hứa sẽ mua tất cả những loại đậu nành và các sản phẩm nông nghiệp khác từ Mỹ.
Các nhà đàm phán đã hoãn việc xử lý các vấn đề khó khăn nhất cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Trong khi đó, Washington vẫn đang lên kế hoạch để nhắm mục tiêu khác 160 tỉ USD hàng hóa của Trung Quốc từ ngày 15-12, một động thái sẽ áp thuế rộng hơn đối với một thứ nhập khẩu từ nước này đến Mỹ.
Chuyên gia phân tích các vấn đề kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Scott Kennedy gọi thông báo đạt được một phần thỏa thuận hôm 11-10 là “chiếc bánh mì kẹp thịt mà không có thịt”.
“Tôi gọi đó là ‘Thỏa thuận vô hình’. Điều duy nhất xảy ra hôm 11-10 vừa qua chỉ là Mỹ đã hoãn việc tăng thuế”, ông nói.
Theo AP, chính quyền Trump nói rằng việc tiến hành thỏa thuận vẫn đang diễn ra dựa trên những điều mà họ gọi là “Giai đoạn 1” của đàm phán với Trung Quốc.
Phát biểu trên kênh truyền hình CNBC ngày 14-10, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhấn mạnh: “Tuần trước, chúng tôi đã đạt được tiến bộ đáng kể trong các cuộc đàm phán. Chúng tôi có một thỏa thuận cơ bản. Nó tùy thuộc vào tài liệu, và có rất nhiều công việc phải được tiến hành sau đó”.
Ông Mnuchin trả lời kênh CNBC về thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và Trung Quốc hôm 11-10. Ảnh: CNBC
Ông Mnuchin cho biết ông sẽ cùng Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer gặp gỡ với nhà đàm phán chính của Trung Quốc - Phó Thủ tướng Lưu Hạc trước hội nghị thượng đỉnh châu Á-Thái Bình Dương tháng 11 tới tại Chile.
Ông tiết lộ, tại cuộc họp đó, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể chính thức ký kết một thỏa thuận giai đoạn một.
Wendy Cutler, một cựu nhà đàm phán thương mại của Mỹ tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á, nói rằng: “Qua những gì ông Mnuchin nói thì có thể thấy rằng các chi tiết thỏa thuận vẫn chưa được thực hiện. Washington và Bắc Kinh vẫn chưa có thỏa thuận trên giấy tờ. Chúng ta nên mong đợi nhiều trong cuộc gặp mặt vào tháng 11 giữa ông Trump và ông Tập”.
Trong khi đó, cựu quan chức ngoại giao và thương mại Mỹ Jeff Moon cho rằng Tổng thống Trump có lý do để hoãn việc tăng thuế đáng lẽ áp dụng ngày 15-10. Ông cho biết thương chiến Mỹ-Trung vốn đè nặng lên các nền kinh tế Mỹ và thế giới, nếu thuế quan đẩy lên cao thì sẽ đẩy chi phí lên cho các nhà sản xuất Mỹ và việc kết thúc thương chiến sẽ không biết khi nào kết thúc và ra sao.
“Điểm mấu chốt là cả hai bên đã cho phép họ làm những gì họ muốn làm”, ông Moon nói. “Trung Quốc thực sự cần thực phẩm, và ông Trump không muốn áp thuế”.
Đối với người nông dân, những người bị ảnh hưởng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài này cũng có băn khoăn xung quanh một phần thỏa thuận đạt được hôm 11-10.
Ông Tim Garrett, năm nay 63 tuổi, có một trang trại đậu nành và bắp rộng hơn 2000 ha ở bang North Dakota cho biết đã bỏ phiếu cho ông Trump và ủng hộ một thỏa thuận thương mại tốt hơn với Trung Quốc, nhưng ông lại “không chắc chắn những gì xảy ra tiếp theo nữa”.
“Tôi không phải là một người chính trị lớn, nhưng Trung Quốc trước đó đã làm chúng tôi thất vọng. Tôi tin một điều gì đó cần phải làm. Tôi nghĩ không nên dồn tất cả lên nông nghiệp”, ông nói với AP.
"Chúng tôi đã nghe điều này trước", ông Bob Metz - nông dân và Cựu chủ tịch Hiệp hội đậu nành Mỹ, nói. "Tôi nghĩ không có gì thay đổi với Trung Quốc. Ai là người chiến thắng? Trung Quốc đã nhiều lần đồng ý mua đậu nành, và họ đang mua với giá rẻ hơn 2 USD một giạ".
Một nông trại tang bang Iwo, nơi bị ảnh hưởng nặng nề do thương chiến Mỹ - Trung trong một năm qua. Ảnh: AFP
Thượng nghị sĩ Chuck Grassley của bang Iowa - nơi bị ảnh hưởng do mất doanh thu từ thịt heo và đậu nành, hoan nghênh thỏa thuận đạt được. Tuy nhiên, ông cho rằng một thỏa thuận cuối cùng nên được đưa ra với đầy đủ các vấn đề và có cơ chế thực thi mạnh mẽ, theo AP.