Bộ Nội vụ đã trình Đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026

Sáng 2-7, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác sáu tháng đầu năm 2021.

Báo cáo của Bộ Nội vụ cho hay Bộ này đã tham mưu Ban Cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị thông qua Đề án Cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 để trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ nhất.

Ngày 14-6 vừa qua, Bộ Nội vụ đã chính thức có tờ trình Chính phủ về việc này.

Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác sáu tháng đầu năm.

Triển khai nhiều biện pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính

Bộ Nội vụ cũng đề xuất chủ trương giao biên chế và thực hiện tinh giản biên chế năm 2022 và các năm tiếp theo; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các Nghị định liên quan về tổ chức bộ máy, biên chế, tinh giản biên chế và vị trí việc làm.

Cạnh đó, tích cực rà soát, đánh giá, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho các bộ, ngành, địa phương thuộc lĩnh vực Nội vụ. 

“Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế ở các bộ, ngành, địa phương bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới, tạo cơ sở quan trọng hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”- báo cáo nêu rõ.

Cũng theo báo cáo, các bộ, ngành đã tích cực rà soát, xây dựng phương án và đề xuất điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ phù hợp với quy định tại Nghị định số 101/2020 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ) và ban hành Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý, tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy tại địa phương. 

Các địa phương tích cực rà soát, ban hành Đề án sắp xếp lại, kiện toàn tổ chức bên trong các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo thẩm quyền được giao, xác định rõ lộ trình, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng theo quy định.

Theo Bộ Nội vụ, một số địa phương đã chủ động, tích cực triển khai các nội dung về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo các quy định mới của Chính phủ như: Ninh Thuận, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Bình, Sơn La, An Giang, Thừa Thiên Huế, Đắk Nông... 

Bộ Nội vụ cũng khẳng định công tác xây dựng và quản lý đội ngũ công chức, viên chức đã có nhiều đổi mới theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức… 

Đáng chú ý, Bộ đã chủ động rà soát và đề xuất với Thủ tướng về việc bỏ quy định bắt buộc chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học và cắt giảm quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp viên chức trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức. 

Cụ thể, Bộ đã tham mưu, đề xuất bỏ chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; bỏ chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức; giảm 17 chứng chỉ theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.

Cũng theo báo cáo của Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật và củng cố niềm tin của nhân dân…

“Việc tiếp nhận, sử dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, nâng bậc lương, bổ nhiệm ngạch, chuyển ngạch, thay đổi chức danh nghề nghiệp, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật từng bước đi vào nền nếp”- báo cáo nêu.

Chưa có chế tài đủ mạnh để sàng lọc, tinh giản biên chế

Bên cạnh những kết quả nêu trên, báo cáo của Bộ Nội vụ cũng thừa nhận còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, Bộ Nội vụ đánh giá một số bộ quản lý công chức, viên chức chuyên ngành chưa kịp thời ban ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về tiêu chuẩn chức danh công chức chuyên ngành, chức danh nghề nghiệp viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. 

Đặc biệt, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế chậm sửa đổi định mức học sinh/lớp, giáo viên/lớp tại các bậc học; định mức viên chức y tế/giường bệnh, viên chức y tế/dân số theo tinh thần Nghị quyết số 102/2020 của Chính phủ làm cơ sở để bố trí biên chế, số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp bảo đảm khoa học, sát với thực tế.

Người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp theo quy định tại Nghị định 62/2020 và Nghị định 106/2020.

Cùng với đó, việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII đề ra do Lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương chưa tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt.

“Việc sử dụng biên chế công chức, viên chức được giao chưa hiệu quả; đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức để đưa ra khỏi bộ máy những người có năng lực hạn chế, tinh thần, thái độ làm yếu kém chưa được các bộ, ngành và địa phương nghiêm túc thực hiện nên chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu theo các Nghị quyết của Đảng đã đề ra”- báo cáo nhận định.

Ngoài ra, theo Bộ Nội vụ, việc tinh giản biên chế tuy vượt chỉ tiêu giảm 10% song chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Trật tự, kỷ cương hành chính ở một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm, qua kiểm tra, thanh tra công vụ còn phát hiện nhiều biểu hiện vi phạm cần phải được chấn chỉnh và khắc phục kịp thời.

Bộ Nội vụ cho rằng những khó khăn, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân. Trong đó, chưa có chế tài đủ mạnh để sàng lọc, tinh giản biên chế và chưa có cơ chế tạo động lực thu hút, gắn kết nguồn nhân lực chất lượng cao cống hiến trong khu vực công.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm