Chính phủ xác định: SGK tiếng Việt lớp 1 có chỗ chưa phù hợp

Báo cáo tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát và chất vấn chuyên đề trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XII do Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình thừa nhận điều này.

Đây là một trong bốn báo cáo được trình bày trước khi Quốc hội bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 6-11. Báo cáo tổng hợp của Chính phủ đề cập tóm tắt nhưng toàn diện tất cả các lĩnh vực.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình trình bày báo cáo về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội sáng nay, 6-11. Ảnh: QH

Về lĩnh vực Công Thương, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết: “Việc xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương được tập trung chỉ đạo, từng bước phân nhóm các dự án để xác định phương án xử lý cụ thể, khả thi, dứt điểm”.

Báo cáo nói nếu tháo gỡ được vướng mắc về thuế suất giá trị gia tăng 5% đối với phân bón thì sẽ tháo gỡ được cho các dự án DAP-1 Hải Phòng, DAP-2 Lào Cai, Đạm Ninh Bình và có thể đưa DAP-1 Hải Phòng ra khỏi danh sách 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả trong thời gian tới.

Một số dự án đã tìm được đối tác hợp tác đầu tư hoặc đang có nhà đầu tư quan tâm mua lại tiếp tục đầu tư và hiện đang thương thảo với nhà đầu tư. Đó là các dự án Xơ sợi Đình Vũ, Gang thép Thái nguyên giai đoạn 2 và Dự án Thép Việt Trung.

“Về Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có nhiều khó khăn, vướng mắc do có sai phạm trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng; cho đến nay đã hoàn thành xấp xỉ 86% khối lượng. Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo, giao nhiệm vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục triển khai, hoàn thành xây dựng nhà máy đưa vào vận hành trong năm 2021 - 2022 đảm bảo chất lượng và an toàn” - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho hay.

Lĩnh vực GTVT có việc đẩy nhanh đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia như Đường cao tốc Bắc – Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cải tạo và nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất…

Bên cạnh đó là việc hoàn thiện thể chế đầu tư theo hình thức PPP; nghiêm túc thực hiện chủ trương không đầu tư dự án BOT trên đường hiện hữu; rà soát tổng thể vị trí đặt trạm thu phí, chính sách miễn giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ; triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng...

Trong lĩnh vực tài nguyên môi trường vẫn ghi nhận tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, nhất là tại các lưu vực sông, kênh, mương còn chậm được xử lý.

“Ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM còn diễn biến phức tạp. Công tác quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản, đất đai ở một số nơi hiệu quả chưa cao; vẫn còn tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông” - báo cáo nói.

Đặc biệt, đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, vấn đề sách giáo khoa lớp 1 được nhắc đến ngắn gọn nhưng rất sát sườn.

“Chưa tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa lớp 1 đầy đủ các môn học theo Nghị quyết 88 của Quốc hội; một số sách giáo khoa như cuốn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có nội dung chưa phù hợp, sai sót, cần phải chỉnh sửa bổ sung như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu tại Hội trường” - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đọc báo cáo.

Sau khi điểm qua tất cả các lĩnh vực, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói Chính phủ và các bộ, ngành thời gian qua đã nghiêm túc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

“Cũng có những việc triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra do có bất cập trong cơ chế, chính sách, việc triển khai chưa quyết liệt, chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực cần thiết và cần có thời gian.

Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực hơn nữa, tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới, nhất là những nội dung còn hạn chế, yếu kém” - Phó Thủ tướng cho hay.

Quốc hội ‘nóng’ chuyện lợi - hại từ thủy điện
Quốc hội ‘nóng’ chuyện lợi - hại từ thủy điện
(PL)- Bộ trưởng Công Thương cho rằng việc xây dựng thủy điện là theo quy trình pháp lý bài bản; đại biểu Quốc hội cho rằng các chủ đầu tư lạm dụng quy trình để trục lợi, phá rừng, lấy gỗ quý, gây lụt lội, sạt lở…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm