Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Theo Bộ Nội vụ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, có hiệu lực từ 1-7-2020, trong đó có một số vấn đề liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Ảnh: HOÀNG GIANG
Cụ thể, không tiếp tục quy định chế độ công chức đối với những người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập (khoản 2 Điều 4; điểm c khoản 1 Điều 32).
Điều 37 Luật sửa đổi, bổ sung quy định việc tiếp nhận vào làm công chức đối với các trường hợp: Viên chức, cán bộ, công chức cấp xã, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm công tác cơ yếu, người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo trong doanh nghiệp nhà nước để thực hiện chủ trương liên thông trong công tác cán bộ.
Hiện nay, việc quản lý công chức, viên chức được chuyển dần sang quản lý theo vị trí việc làm; công chức, viên chức được tuyển dụng, bố trí vào vị trí việc làm sẽ được bổ nhiệm, xếp lương ở ngạch, chức danh nghề nghiệp tương ứng.
Điều này dẫn tới việc quy định về việc sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng công chức, viên chức cũng cần được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn… Vì thế, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là rất cần thiết.
Theo đó, dự thảo đã bổ sung nội dung bồi dưỡng về “Công nghệ thông tin” nhằm đáp ứng đòi hỏi thực tiễn về ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, quản lý, điều hành cũng như vận hành Chính phủ điện tử.
Ngoài ra, dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về sử dụng chứng chỉ. Cụ thể, bổ sung quy định chứng chỉ bồi dưỡng ngạch công chức chuyên ngành là một trong những điều kiện để công chức được đăng ký dự thi, xét nâng ngạch, bổ nhiệm ngạch tương ứng.
Nội dung dự thảo cũng bỏ quy định “Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức là điều kiện được học các chương trình bồi dưỡng cao hơn liền kề”. Điều này nhằm phù hợp với việc quản lý công chức, viên chức được chuyển dần sang quản lý theo vị trí việc làm.
Dự thảo còn bổ sung quy định việc hoàn thành chương trình và cấp chứng chỉ đối với những trường hợp được tiếp nhận vào làm công chức.
Những trường hợp này gồm viên chức; cán bộ, công chức cấp xã; người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm công tác cơ yếu; người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo trong doanh nghiệp nhà nước...
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.