Nhiều người cãi lý với CSGT khi bị lập biên bản ra đường sau 18 giờ

Đội CSGT – TT (KV3) Công an TP Thủ Đức, TP.HCM đã xử lý nhiều trường hợp người dân ra đường sau 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau trong trường hợp không cần thiết.

Không biết ra đường bị phạt

Theo ghi nhận tại TP Thủ Đức, từ 18 giờ hầu hết các tuyến đường đều rất vắng người dân lưu thông. Quan sát cho thấy người ra đường chủ yếu là lực lượng công an, nhân viên y tế đi làm nhiệm vụ.

Tuy nhiên, tại một số tuyến đường lớn vẫn còn số ít người dân ra đường trong trường hợp không thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào hoặc không thật sự cần thiết.

Các phương tiện ra đường sau 18 giờ đều bị lực lượng CSGT - TT kiểm tra. Ảnh: TS

Vào khoảng 20 giờ tại gốc đường Võ Văn Ngân – Đặng Văn Bi, tổ công tác Đội CSGT – TT (KV3) Công an TP Thủ Đức đã dừng xe máy một nam thanh niên đang lưu thông theo hướng từ chợ Thủ Đức về đường xa lộ Hà Nội.

Qua kiểm tra, thanh niên này cho biết tên PTH, là tài xế xe contaier ở Bình Dương đang trên đường trở về nhà tại phường Long Thành Mỹ.

CSGT sau đó giải thích cho anh H. biết ra đường sau 18 giờ là vi phạm Chỉ thị 16 và Chỉ thị 12 của TP. Đặc biệt bắt đầu từ hôm nay TP hạn chế tối đa người dân ra đường nhưng anh H. vẫn thường xuyên cãi lý với CSGT.

“Anh có nghe thông báo là sau 18 giờ TP hạn chế tối đa ra đường không anh, cái này thông tin đại chúng thông báo rộng rãi lắm rồi” - CSGT đối đáp nhẹ nhàng với anh H.

Anh H. tiếp tục lý giải: “Em đi trên cửa khẩu Hoa Lư, Lộc Ninh (Bình Phước) về Bình Dương nên không biết, cái này mới ra thì các anh nhắc nhở thôi chứ làm gì mà lập biên bản dữ vậy”.

Anh H. cãi lý với CSGT sau khi bị lập biên bản ra đường sau 18 giờ không cần thiết. Ảnh: TS

CSGT sau đó yêu cầu anh H. đến lập biên bản. Tuy nhiên, anh H. liên tục cãi lý và lấy điện thoại ra quay phim nói CSGT lập biên bản không công bằng khi vẫn có người khác không bị lập.

“Sao nhiều người dân lưu thông bình thường, các anh không lập biên bản đi, như vậy là không công bằng” - anh H. nói với CSGT.

CSGT tiếp tục giải thích: “Người ta ra đường có giấy tờ hợp lệ, là nhân viên y tế và lực lượng phòng chống dịch, chúng tôi kiểm tra và xác định như vậy rồi”.

CSGT đã lập biên bản anh H. lỗi vi phạm ra đường trong trường hợp không cần thiết. Anh H. cũng yêu cầu CSGT ghi trong biên bản ý kiến người vi phạm là: “Tại vì người vi phạm không biết là giờ này cấm ra đường” xong mới chịu ký vào biên bản.

Xe ôm vẫn còn chở khách

Trong tối cùng ngày, sau khi lập biên bản anh H., lực lượng CSGT-TT đã đi tuần tra lưu động nhiều tuyến trên địa bàn TP. Qua đó, các phương tiện lưu thông trên đường đều được kiểm tra và cho thấy chỉ có nhân viên y tế, người quét rác và lực lượng phòng chống dịch đang đi làm nhiệm vụ.

Các trường hợp ra đường bị CSGT dừng xe để kiểm tra lý do ra đường. Ảnh: TS

Đến gần vòng xoay chợ Thủ Đức, tổ công tác phát hiện một người đàn ông điều khiển xe máy chở theo một người khác không đội mũ bảo hiểm, không đeo khẩu trang phía sau.

Làm việc với CSGT người lái xe cho biết tên S. là xe ôm tranh thủ chạy kiếm thêm thu nhập. Khi được hỏi chở người phía sau mà không đeo khẩu trang như vậy không sợ dịch bệnh sao?

Ông S. đáp: “Do ngồi phía sau, gió thôi từ phía trước bay ra phía sau nên không sợ gì hết”. Khi CSGT yêu cầu lập biên bản, ông S. cho biết không có nơi cư trú, không giấy tờ tuỳ thân.

“Tôi quê ở phú Yên, tôi vô đây sống ké ở trong bãi xe người ta, nay tôi chở tài xế xe tải đi từ cầu vượt Linh Xuân tìm chỗ nghỉ để kiếm thêm tiền ăn cơm” - ông S. nói thêm.

Ông S. tháo thùng đựng phụ tùng sửa xe rồi bàn giao xe cho CSGT tạm giữ. Ảnh: TS

Theo quan sát, xe ông S. là loại xe máy tương đối cà tàng, phía trước được gắn một thùng đựng đầy đủ dụng cụ sửa xe, bu lông, mỏ lết…  CSGT lập biên bản giữ xe thì ông S. xin tháo thùng này lại rồi bàn giao xe cho CSGT tạm giữ.

Cũng trong tối cùng ngày, một người đàn ông điều khiển xe máy chở theo bao gạo loại nhỏ lưu thông trên đường Võ Văn Ngân đã bị CSGT dừng xe. Người này cho biết do đi làm từ thiện nên về sau 18 giờ.

“Tôi đi phát gạo từ thiện ở chùa tại phường Linh Chiểu về phường Phước Bình, tôi cũng biết ra đường sau 18 giờ là không được nhưng tôi đi từ thiện thôi” -  người này nói thêm.

CSGT sau đó đã lập biên bản người này lỗi vi phạm ra đường khi không cần thiết.

Theo ghi nhận, chỉ trong khoảng từ 18 giờ đến 22 giờ, Đội CSGT (KV3) Công an TP Thủ Đức đã lập biên bản chín trường hợp vi phạm ra đường khi không cần thiết.

5 trường hợp được đi ra đường

Trước đó, vào chiều 26-7, UBND TP.HCM có văn bản khẩn, yêu cầu mọi người dân trên địa bàn TP hạn chế tối đa ra đường từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, bắt đầu từ 26-7.

Tuy nhiên, có 5 trường hợp sau được đi ra đường, gồm:

- Cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu điều phối để phòng chống dịch bệnh của cơ quan, chức năng, chính quyền địa phương.

- Cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn TP, bao gồm cả công tác phát hành báo.

- Lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; lực lượng xử lý sự cố về: điện, nước, hệ thống thông tin và hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

- Các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu; phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch; phương tiện đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện “1 cung đường – 2 điểm đến”; phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu.

- Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở 12 cửa ngõ chính của TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy