Thống nhất lòng dân khi thực sự vì dân, vì nước

Cũng có thể còn nhiều góc nhìn, nhiều quan điểm về ngày đất nước thống nhất 30-4 nhưng một sự thật là ngày đó đã chấm dứt sự chia cắt hai miền Nam-Bắc. Sự nghiệp thống nhất đất nước đã hoàn thành và hầu như ai cũng mong đất nước đi vào kỷ nguyên của hòa bình, phát triển.

Nhìn xuyên suốt quá trình thống nhất đất nước, có thể thấy sợi chỉ đỏ nổi lên trong toàn cuộc trường chinh ấy chính là ý chí sắt đá, sự kiên cường của bao thế hệ cha, anh và sự thống nhất của lòng dân với khát khao về độc lập,
tự do và hòa bình cho dân tộc mình.

Có lẽ điều này đã trở thành truyền thống, bắt đầu từ những đêm trường của dân tộc trước đây hàng ngàn năm. Suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam trải qua nhiều cuộc chiến tranh không mong muốn, tốn nhiều xương máu… Và rõ ràng, ngoài ý chí thống nhất quốc gia, thoát ách ngoại xâm thì động lực đưa ý chí ấy thành hiện thực chính là lòng dân thống nhất. Bởi đơn giản một điều, sự thống nhất về mặt lãnh thổ chỉ có thể bền vững nếu thống nhất lòng dân là nền tảng.

Trở lại với hiện tại, nhiều người nói rằng cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay cũng không kém phần khốc liệt. Cuộc chiến này có thể rất khó khăn bởi rất khó có thể phân biệt “địch-ta” như khi quân xâm lược tràn vào lãnh thổ. Và càng khó khăn hơn khi tham nhũng ẩn náu trong chính lực lượng chống tham nhũng.

Điều đau đớn vẫn là tham nhũng nằm ngay trong hàng ngũ những người được mệnh danh là công bộc của nhân dân, suốt đời phụng sự lý tưởng cao đẹp, một lòng tận tụy theo Đảng… Chẳng thế mà lãnh đạo Đảng đã phải chua xót nói rằng: Chống tham nhũng rất khó là vì “ta tự đánh
vào ta”.

Ngay cả ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng, bí thư, phó bí thư một số tỉnh/thành cũng đã bị kỷ luật dưới các hình thức khác nhau, thậm chí là ra tòa vì những sai phạm thì đúng là cuộc chiến ấy rất khốc liệt.

Tài sản của nhân dân, của quốc gia bị bòn rút, lãng phí, tham ô… đã đành, mà ngay cả những thiệt hại về nhân sự, về niềm tin có lẽ khó đo đếm được. Rõ ràng, không thể chống tham nhũng “nửa vời” khi lành mạnh hóa đất nước, trong sạch hóa bộ máy, công khai hóa quá trình cải cách… đang là yêu cầu cấp thiết từ nhân dân, từ tương lai phát triển của đất nước, dân tộc.

Nhưng thực tế cuộc chiến chống tham nhũng, ở bất kỳ đâu, chưa bao giờ bằng phẳng. Bởi dù sao đi nữa, những nguy cơ, rủi ro khi chống tham nhũng mà không có quyết tâm cao, không được nhân dân ủng hộ là có thật. Bất kể khi nào, cuộc chiến giữa tốt và xấu, giữa thiện và ác, giữa cách mạng và phản cách mạng… vẫn luôn làm những người cầm trịch phải chịu nhiều áp lực. Chẳng vậy mà mới đây Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải nói thẳng: “Ai nhụt chí thì đứng sang một bên”.

Và thực tế cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng đã đi vào thực chất hơn. Thực chất không phải là vì nhiều “đại án” được xét xử, không phải vì ngay cả ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương… xộ khám, ra tòa… mà ngay cả những dịch chuyển trong cải cách thể chế có thể cũng đã bắt đầu.

Cái “lồng” kiểm soát quyền lực có thể đã được hình thành qua nhiều định hướng về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách hệ thống chính trị theo hướng hiệu lực, hiệu quả. Ngay cả những đề án về tiền lương, bảo hiểm, nhân sự… cũng đã chứa đựng những khuôn khổ ngăn chặn và chặt đứt nguồn gốc của tham nhũng.

Nhưng, giống như sự nghiệp thống nhất 43 năm trước đã thành toàn, quan trọng hơn hết là cuộc chiến chống tham nhũng cũng được nhân dân ủng hộ. Lòng dân chưa khi nào thống nhất như hiện nay không phải vì những cá nhân tham nhũng bị phanh phui mà có lẽ là vì cuộc chiến ấy đang dần thực sự là vì dân, vì nước.

Ý Đảng-lòng dân có thể sẽ là một nguyên lý đúng trong cuộc chiến loại trừ tham nhũng, giảm nguy cơ làm sụp đổ quốc gia, đưa dân tộc vào lầm than.

CHÂN LUẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm