Cùng với 6 HCV, 5 HCB và 2 HCĐ vượt qua chủ nhà Trung Quốc (5 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ) vô địch môn cử tạ, các lực sĩ Triều Tiên còn xô đổ 6 kỷ lục thế giới.
Hai tuần trước lễ khai mạc ASIAD 19, đoàn thể thao “bí ẩn” Triều Tiênvẫn chưa chắc tham dự do trước đó họ đã không đến Olympic Tokyo, cũng như Giải vô địch cử tạ thế giới vào tháng 7 tại Riyadh (UAE).
Sau khi trở lại sàn đấu kể từ tháng 12-2019 (trước dịch COVID), Triều Tiên còn ngạo nghễ tuyên bố “dẫn đầu thế giới” ở môn cử tạ.
HLV cử tạ Trung Quốc - Wang Guoxin cho biết: “Bây giờ Triều Tiên đang dẫn trước và chúng tôi cần phải bắt kịp. Chúng tôi không thể tiếp tục ở trong vùng an toàn”.
“Cơn sốt" HCV đột ngột cũng dấy lên dấu hỏi, các VĐV cử tạ Triều Tiên đã làm điều đó như thế nào khi quốc gia này phong tỏa với thế giới bên ngoài vì đại dịch?
Lãnh đạo đội cử tạ Triều Tiên - Jang Song Nam cho biết, thành công này là sự đền đáp cho những hy sinh của họ trong nhiều năm phải cách ly vì đại dịch COVID-19.
“Các VĐV của chúng tôi tham dự Đại hội thể thao châu Á này đã làm việc rất chăm chỉ. Mỗi HCV là sự đền đáp cho những khó khăn của chúng tôi trong suốt 4 năm qua. Bây giờ chúng tôi là những người dẫn đầu thế giới. Chúng tôi muốn thể hiện sức mạnh của mình và chúng tôi đã làm được điều đó”.
Sau khi chứng kiến kỷ lục thế giới hạng cân 49 kg nữ của mình bị Ri Song Gum phá vỡ, nhà vô địch thế giới Jiang Huihua (Trung Quốc) cho biết cô rất ngạc nhiên trước kết quả này.
Tương tự sau khi đánh bại hai VĐV Triều Tiên, giành HCV hạng 61 kg nam, lực sĩ ba lần vô địch thế giới Li Fabin thổ lộ: “Thú thực kết quả của họ khiến chúng tôi bị sốc”.
Việc xuất hiện hai lực sĩ Triều Tiên gồm Pak Myongjin (đoạt HCB) và Kim Chungguk (HCĐ) cũng khiến á quân ASIAD 18 Trịnh Văn Vinh và Nguyễn Trần Tuấn Anh mất cơ hội cạnh tranh huy chương hạng 61 kg nam.
Hồi đầu năm, các liên đoàn, HLV và VĐV phản đối Triều Tiên kịch liệt khi quốc gia này cử đội tuyển cử tạ tham dự giải đấu tại Cuba nhưng trước đó không được kiểm tra doping.
Đến tháng 7-2023, Ban điều hành Liên đoàn cử tạ thế giới - IWF đã phải có những thay đổi điều lệ. Theo AFP, IWF có thể cấm thi đấu đối với các VĐV cử tạ của các quốc gia, nơi IWF hoặc bất kỳ tổ chức chống doping nào có thẩm quyền kiểm tra nhưng không thể tiến hành các đợt kiểm tra doping.
Việc không tham dự các giải đấu vòng loại bắt buộc của IWF cũng đồng nghĩa, cử tạ Triều Tiên bị cấm dự Olympic Paris vào năm tới.
Riêng với Đại hội thể thao châu Á, IWF không có thẩm quyền ngăn cản các quốc gia tham dự, do ASIAD 19 được quản lý bởi Ủy ban Olympic châu Á (OCA). Nhưng theo báo cáo từ Hàng Châu, tất cả các lực sĩ Triều Tiên đã ít nhất một lần phải kiểm tra doping, trong đó hai VĐV bị cấm thi đấu do không báo cáo nơi ở cụ thể trong ba tháng qua.
Năm 2021, tổ chức chống doping của Triều Tiên nhận cáo buộc “không tuân thủ” và bị Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) ra lệnh trừng phạt. Các biện pháp trừng phạt kể cả việc không được cử quốc thiều Triều Tiên tại đại hội ở Hàng Châu – Trung Quốc.
Phát biểu với AFP, WADA khẳng định OCA sẽ phải đối mặt với “hậu quả” vì cho phép cờ Triều Tiên liên tục xuất hiện tại đại hội, kể cả khi các VĐV cử tạ của Triều Tiên giành huy chương.