Ngày 28-2, UBND quận Thủ Đức đã có buổi báo cáo kết quả triển khai bảy tháng thực hiện Chỉ thị số 23 của Thành ủy TP.HCM về triển khai các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn.
Công trình vi phạm nằm ở phường Hiệp Bình Chánh của ông Lê Hữu Thành, Phó Chủ tịch HĐND quận Thủ Đức, được tháo dỡ ngay sau khi báo chí phản ánh vào năm 2019. Ảnh: THANH TUYỀN
3 phường giáp ranh có tỉ lệ công trình vi phạm cao nhất
Theo báo cáo, sau bảy tháng triển khai thực hiện Chỉ thị 23 (từ tháng 8-2019 đến ngày 25-2-2020), quận Thủ Đức đã ghi nhận 122 trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng. Trong đó số vụ vi phạm xây dựng không phép là 98, sai phép là 24 trường hợp (thời điểm trước khi có Chỉ thị 23 là 253 trường hợp).
Riêng trong hai tháng đầu năm 2020, số trường hợp vi phạm đã giảm mạnh so với các tháng trước (có 18 công trình xây dựng không phép; không có công trình nào xây sai phép).
Tổng số công trình còn tồn đến cuối năm 2019 là 639 nhưng đến nay mới chỉ giải quyết được 205 công trình.
Cũng theo thống kê, các phường Hiệp Bình Chánh, Linh Trung, Linh Đông là ba phường có tỉ lệ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị nhiều nhất trong bảy tháng đầu năm 2019.
Theo nhận định của quận đây là những phường nằm ở khu vực giáp ranh, có nhiều khu công nghiệp, gần các trục đường chính, quỹ đất còn nhiều, nhiều dự án chưa được triển khai thực hiện nên tình hình vi phạm diễn ra phức tạp.
Cưỡng chế giai đoạn 2, 3 với công trình vi phạm ở Linh Đông
Quận Thủ Đức cũng đã có báo cáo về tiến độ xử lý các công trình vi phạm có quy mô lớn trên địa bàn. Đây là những công trình vi phạm mà báo chí phản ánh liên tục trong năm 2019. Sau đó, hàng loạt cán bộ ở quận Thủ Đức cũng bị kỷ luật vì có khuyết điểm trong quá trình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận.
Cụ thể, với công trình vi phạm trật tự xây dựng tại đường 36, phường Linh Đông, quận đã triển khai đầy đủ các bước thực hiện theo trình tự, thủ tục được pháp luật quy định để tổ chức thực hiện tháo dỡ.
Theo đó, quận Thủ Đức đã tổ chức cưỡng chế tháo dỡ giai đoạn 1 đối với công trình trên trong tháng 1-2020. Trong tháng 3 tới, quận sẽ tổ chức cưỡng chế giai đoạn 2 và giai đoạn 3 với công trình này.
Còn với công trình vi phạm tại đường 32, phường Linh Đông, quận đã chủ động lập phương án phá dỡ và có kiến nghị với Sở Xây dựng. Hiện quận đang chờ Sở phê duyệt phương án, kinh phí tháo dỡ đối với công trình này.
Riêng những công trình vi phạm ở các khu vực phức tạp khác như khu vực Đại học Quốc gia, khu đất 9,68 ha (thuộc phường Linh Trung) quận cũng đã tổ chức cưỡng chế.
Phường Linh Trung tháo dỡ năm công trình không phép thuộc khu vực quy hoạch Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM vào tháng 12-2019. Ảnh: THANH TUYỀN
Từ thực trạng trên, phía UBND quận Thủ Đức đã đề ra các giải pháp trọng điểm trong công tác quản lý trật tự xây dựng.
Theo đó, chủ tịch UBND 12 phường chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý trật tự xây dựng; chủ động phối hợp với đội thanh tra địa bàn quận cùng các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra thực tế với các công trình xây dựng hiện nay trên địa bàn.
UBND quận Thủ Đức cũng yêu cầu Ban chỉ huy công an quận cùng trưởng công an 12 phường cùng tích cực phối hợp để ngăn chặn có hiệu quả việc vi phạm. Bên cạnh đó, các phường cần thực hiện nghiêm việc tạm dừng đăng ký tạm trú, thường trú cho cá nhân, hộ gia đình tại địa chỉ công trình xây dựng không có phép xây dựng và buộc phải tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm…
Ngoài ra, UBND quận Thủ Đức sẽ đẩy mạnh việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong việc quản lý trật tự xây dựng.
Nhiều ứng dụng đã được triển khai, sử dụng và phát huy hiệu quả trong thời gian qua như đô thị Thủ Đức, website quận, đường dây nóng…
Mới đây nhất là ứng dụng "Thủ Đức trực tuyến" cũng chính thức vận hành trên điện thoại di động để thu thập thông tin phản ánh từ người dân.