Thu hồi đất: Bồi thường theo giá nào?

Ngày 18-12, báoPháp Luật TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến để giải đáp thắc mắc của người dân liên quan đến quyền sử dụng đất đai được quy định trong Hiến pháp 2013.

Áp dụng theo bảng giá khi thu hồi đất

“Nhà nước có quyền thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Việc thu hồi đất như thế được Hiến pháp 2013 quy định có gì khác so với Hiến pháp cũ?” - bạn đọc Phạm Thị Lý ở quận 2, TP.HCM (người có đất bị thu hồi) nêu câu hỏi.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) trả lời: Theo Điều 54 Hiến pháp 2013, Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích phát triển kinh tế-xã hội, lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật. Đây là cơ sở để cụ thể hóa trường hợp thu hồi đất vì mục đích nêu trên trong Luật Đất đai 2013.

Trong khi đó, quyền được bồi thường của người bị thu hồi đất không hiến định trong Hiến pháp 1992. Do đó, so với Hiến pháp 1992, Hiến pháp 2013 có thể nói là quy định chặt chẽ và đầy đủ hơn. Người sử dụng đất (NSDĐ) bị thu hồi đất vì lý do trên nếu có đủ điều kiện luật định thì có thể được bồi thường về đất, bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất; có thể được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất...

Luật sư Hậu lưu ý giá đất bồi thường không áp dụng theo bảng giá đất như quy định cũ, mà áp dụng giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Việc xác định giá đất cụ thể phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai; áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp. Khi có quyết định thu hồi đất, người dân phải chấp hành quyết định này nếu không sẽ bị cưỡng chế thu hồi. Nếu có căn cứ cho rằng quyết định thu hồi là không chính xác, người dân có thể khiếu nại đến cơ quan đã ban hành quyết định trên (UBND cấp tỉnh hoặc UBND cấp huyện) để bảo vệ quyền lợi của mình.


Bà Trần Việt Thái, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp TP.HCM), tại buổi giao lưu trực tuyến về Hiến pháp 2013 liên quan đến vấn đề đất đai. Ảnh: HUYỀN VI

Ba nguyên tắc khi bồi thường đất

“Tôi đặc biệt quan tâm đến các chính sách bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Vậy người bị thu hồi đất sẽ được bồi thường ra sao?” - bạn đọc Phạm Tuấn Khanh (huyện Bình Chánh, TP.HCM) hỏi.

Trần Việt Thái, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp TP.HCM), trả lời: Điều 74 Luật Đất đai 2013 quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất như sau:

1. NSDĐ khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của luật này thì được bồi thường.

2. Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

3. Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ

Bạn đọc Thúy Quỳnh gửi câu hỏi sớm nhất: “Lâu nay quyền sở hữu đất đai thuộc toàn dân do Nhà nước đại diện làm chủ sở hữu và quản lý một cách thống nhất. Nay Hiến pháp 2013 có gì khác trước không?”.

Bà Trần Việt Thái trả lời: Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã được xác định từ năm 1980 đến nay là đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nay Hiến pháp 2013 bổ sung thêm quy định “quyền sử dụng đất (QSDĐ) được pháp luật bảo hộ”. Điều này thể hiện thái độ tôn trọng, bảo vệ của Nhà nước đối với QSDĐ của công dân, vừa tạo cơ sở pháp lý vững chắc để tiếp tục phòng, chống và xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm trong thực hiện pháp luật về đất đai.

Một trong những sửa đổi, bổ sung quan trọng của Hiến pháp 2013 là “NSDĐ được chuyển QSDĐ, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật” (Điều 54), nghĩa là chỉ có Quốc hội mới có quyền ban hành các quy định làm hạn chế, thay đổi quyền và nghĩa vụ của NSDĐ nhằm bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích của NSDĐ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm