HÔM NAY KHAI MẠC KỲ HỌP LẦN THỨ 18, HĐND TP.HCM

Thu phí xe máy: Nên dừng!

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin (số báo ngày 27-7), trong báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri TP.HCM gửi tới kỳ họp lần thứ 18 HĐND TP.HCM khóa VIII khai mạc vào sáng hôm nay (28-7), rất nhiều người dân TP đã đề nghị HĐND TP dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy.

Liên quan đến nội dung này, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngay trước thềm kỳ họp, không ít đại biểu (ĐB) HĐND TP.HCM tán đồng với kiến nghị của bà con cử tri TP.

ĐB Lâm Thiếu Quân cho biết từ trước đến nay ông không đồng tình thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy. Theo ĐB Quân, trong kỳ họp lần này, HĐND TP nên kiến nghị Chính phủ ngưng thu loại phí này. Lý do là việc thu loại phí này sẽ phát sinh nhiều khó khăn khi thực hiện do TP.HCM có đến 20% xe máy từ các tỉnh tới. Mặt khác biện pháp thu làm không được, không hiệu quả, chi phí thu lại quá tốn kém, lại chưa có cơ chế xử phạt, nhân viên thuế với tài chính thì không có thời gian đi kiểm tra, rồi sẽ tạo ra sự không công bằng vì người nộp, người không. “TP Hà Nội từ đầu năm đến nay thu được không bao nhiêu nhưng rất mệt mỏi. Bây giờ TP.HCM tiến hành thu, nếu sang năm lại bỏ thì cũng bằng không, tốt nhất là nên dừng” - ông Quân nói.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Trần Tấn Ngời, xe máy là phương tiện, kế sinh nhai tối thiểu của người lao động để nuôi sống gia đình, mà đa số hiện nay người dân lao động đang còn rất khó khăn, vì thế cần dừng thu phí. Ảnh: at

ĐB Từ Minh Thiện cho biết ông cũng ủng hộ không thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy. ĐB Thiện cho rằng kiểu thu phí này không phù hợp nên chuyển qua hình thức thu qua giá xăng dầu sẽ hợp lý hơn, ai sử dụng xe máy nhiều thì nộp phí nhiều.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Trần Tấn Ngời cho biết quan điểm cá nhân ông là TP chưa nên thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy. Bởi vì xe máy là phương tiện, kế sinh nhai tối thiểu của người lao động để nuôi sống gia đình, mà đa số hiện nay người dân lao động đang còn rất khó khăn. Họ đã đóng nhiều loại phí mà đóng thêm loại phí này nữa thì khó khăn lại càng khó khăn. “Khi một vấn đề còn có ý kiến khác nhau, đặc biệt vấn đề đó lại liên quan đến người lao động, liên quan đến đa số thì đòi hỏi phải thận trọng, cân nhắc kỹ trước khi ban hành, trong đó phải hướng vào việc làm thế nào để chia sẻ với người lao động, những người công nhân còn nghèo” - ông Ngời nói.

Phí đăng ký ô tô tăng hơn năm lần?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Luận cho biết trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 18, HĐND TP.HCM khóa VIII diễn ra sáng nay, UBND TP sẽ trình HĐND TP tờ trình về việc tăng lệ phí cấp mới (đăng ký lần đầu tại Việt Nam) giấy đăng ký kèm theo biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên địa bàn TP.HCM.

Theo tờ trình này, ô tô dưới 10 chỗ (kể cả lái xe) không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách: Mức lệ phí đăng ký đề xuất tăng cao nhất, từ 2 triệu đồng lên 11 triệu đồng mỗi lần cấp. Ngoài ra, sơmi rơmoóc đăng ký rời, rơmoóc (xe container) tăng từ 100.000 lên 150.000 đồng; xe máy trị giá từ 15 triệu đồng trở xuống, mức phí đăng ký tăng từ 500.000 lên 750.000 đồng; xe máy trên 15 triệu đến 40 triệu đồng mức phí đăng ký tăng từ 1 triệu lên 1,5 triệu đồng; xe máy hơn 40 triệu đồng mức phí tăng từ 2 triệu lên 3 triệu đồng. Riêng ô tô (trừ ô tô dưới 10 chỗ không hoạt động kinh doanh vận tải) không tăng mức phí đăng ký, vẫn giữ mức 150.000 đồng một xe.

Lý giải về việc tăng phí thu, UBND TP cho rằng mức thu này cũng phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân TP, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách để trang trải các khoản chi phí có liên quan và góp phần giảm thiểu xe cá nhân nhưng có khuyến khích đối với phương tiện vận tải công cộng. Nếu được HĐND TP thông qua, mức phí mới sẽ được áp dụng từ 1-9-2015.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm