Mới đây, TP.HCM đề xuất thí điểm thu thuế bất động sản (BĐS) thứ hai trở đi để tăng nguồn thu, ngăn chặn đầu cơ, bỏ hoang nhà đất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến góp ý cho rằng còn nhiều việc phải làm để thực hiện được chính sách này.
Khó xác định, lo ảnh hưởng thị trường
Nhiều chuyên gia đồng tình với đề xuất thu thuế người có nhiều nhà đất để ngăn chặn đầu cơ nhưng đánh thuế căn nhà thứ hai vẫn còn nhiều vướng mắc trong khâu thực hiện.
Ông Đỗ Hoàng Dương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BĐS Gia Gia Phú, cho rằng việc thu thuế người có nhiều nhà đất nên áp dụng chung, thống nhất cả nước chứ không chỉ thí điểm một địa phương.
Nếu chỉ thí điểm ở TP.HCM thì TP sẽ chịu nhiều ảnh hưởng, làm giảm sức hấp dẫn đầu tư BĐS ở đây. Nhà đầu tư sẽ dịch chuyển ra những địa phương không thu loại thuế này để đầu tư, các chủ đầu tư sẽ càng khó phát triển dự án vì thanh khoản kém.
Việc thu thuế căn nhà thứ hai nếu chỉ áp dụng ở TP.HCM sẽ làm giảm sức hấp dẫn đầu tư cho thị trường này. Ảnh minh họa: Q.HUY |
“Khi thị trường trầm lắng, giảm dòng vốn đầu tư thì nguồn thu từ BĐS của TP.HCM sẽ giảm theo” - ông Dương nói.
Chưa kể rất khó xác định đâu là căn nhà thứ hai, đâu là căn nhà thứ nhất. Nếu một người chỉ có một căn nhà nhưng nó là một căn biệt thự với diện tích rất lớn hoặc thậm chí là nguyên một tòa cao ốc cho thuê sẽ có giá trị gấp nhiều lần so với tổng diện tích của người có 2-3 nhà nhưng diện tích nhỏ.
Luật sư Trần Xoa, chuyên gia thuế, cho biết việc thu thuế này cái lợi trước mắt là ngân sách tăng thêm nhưng để áp dụng rất phức tạp, khó đảm bảo công bằng. Lý do là có nhà to nhà nhỏ, có nhà ở một người song có nhà 7-8 người chen nhau.
“Nếu căn nhà thứ hai, thứ ba nhưng người dân kinh doanh thuê đã đóng thuế đầy đủ, nếu phải đóng thuế tài sản nữa thì thuế chồng thuế, không hợp lý” - luật sư Xoa phân tích.
Tính thuế theo giá trị nhà hay diện tích?
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, cho rằng nếu cứ căn cứ vào căn nhà thứ hai phải đóng thuế thì khó công bằng. Ông góp ý nên đưa ra định mức diện tích nhà đất trên đầu người để đánh thuế sẽ hợp lý hơn, theo đúng định hướng của Nghị quyết 18/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng là đánh thuế cao người sử dụng nhiều diện tích nhà đất.
Thuế tài sản cần xây dựng định mức một người dân sẽ được ở bao nhiêu diện tích sàn xây dựng. Vượt định mức thì phải đóng thuế cao. Khi đó, người đứng tên thay nhà đất cho người khác nếu nhà to, đất rộng, vượt định mức đều phải nộp thuế.
Ở góc nhìn khác, ông Đỗ Hoàng Dương, chuyên gia BĐS, góp ý nên đánh thuế tài sản theo giá trị. Cần quy định mức giá trị nào để thu thuế, khi đó sẽ đảm bảo sự công bằng ở mọi khu vực. Nhà trung tâm, nhà nội thành đương nhiên giá cao phải nộp thuế; nhà ở khu vực nông thôn, ngoại thành giá rẻ hơn thì nộp thuế thấp hoặc không phải đóng.
Cần đánh thuế cao với nhà đất, dự án bỏ hoang
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư BĐS Việt An Hòa, cho rằng cần phải phân loại tài sản BĐS được đánh thuế bởi không phải ai sở hữu tài sản BĐS thứ hai cũng vì mục đích đầu cơ. Nhiều trường hợp phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra giá trị cho xã hội. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước nên cân nhắc điều chỉnh đúng đối tượng và trúng mục tiêu, đảm bảo đánh thuế công bằng.
“Theo tôi, nên đánh thuế thật cao với đất, dự án bỏ hoang. Nhiều năm qua, hàng trăm dự án ôm đất, chây ì không triển khai, trong khi nhiều chủ đầu tư săn lùng kiếm quỹ đất không có để triển khai các dự án nhà ở mới. Từ đó dẫn đến nguồn cung trên thị trường khan hiếm, đặc biệt là các dự án nhà ở tầm trung, nhà ở cho người có thu nhập thấp” - ông Quang nói.
“Giá trị căn nhà thứ hai vượt mức bao nhiêu sẽ phải đóng thuế trên phần giá trị vượt đó, còn căn nhà thứ hai giá trị thấp hơn mức quy định thì miễn thuế. Có thể người dân có nhiều nhà nhưng giá trị mỗi căn đều thấp hơn mức giá trị phải thu thuế” - ông Dương chia sẻ.
Ủng hộ thu thuế người có nhiều nhà đất nhưng theo ông Dương, để triển khai thu được thuế trên thì đòi hỏi TP.HCM cũng như các tỉnh, thành phải triển khai đồng bộ, thống kê được dữ liệu BĐS. Các cơ quan liên quan như Sở TN&MT, Sở TT&TT, các phòng công chứng quận, huyện đều phải liên thông kết nối với nhau. Như vậy, cá nhân đứng tên bao nhiêu nhà đất, lịch sử giao dịch, giá trị BĐS ra sao đều nắm được để có cơ sở thu thuế.
“TP muốn triển khai trước thì ít nhất phải mất 2-3 năm lộ trình chuẩn bị hạ tầng dữ liệu, công nghệ, còn cả nước cũng phải 4-5 năm sau mới có thể thực hiện” - ông Dương nói.
Đối với lo ngại về thuế chồng thuế với trường hợp có nhiều nhà cho thuê, các chuyên gia cho rằng vẫn có thể thu hai loại thuế song song vì hai loại thuế này tách bạch. Ví dụ, ông A có nhà cho thuê vẫn phải đóng thuế thu nhập và thuế VAT (10%) theo quy định của Luật Thuế. Còn nếu xác định đây là căn nhà thứ hai của ông A, giá trị căn nhà này cao vượt mức quy định giá trị BĐS phải chịu thuế tài sản thì phải nộp loại thuế này.