Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng vẫn còn phiền hà

(PLO)- Cần hơn 1.400 tỉ đồng để đầu tư máy móc, thiết bị chuyển đổi số phục vụ cải cách hành chính trong lĩnh vực TN&MT.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 7-8, thường trực HĐND TP đã phối hợp với Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức chương trình Dân hỏi – Chính quyền trả lời về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực đất đai và xây dựng trên địa bàn TP. Đây là một trong những nội dung “nóng”, được người dân TP quan tâm trong thời gian qua.

Cử tri than phiền các thủ tục còn chậm

Đặt câu hỏi tại chương trình, ông Đinh Công Khương, cử tri quận 11 cho biết, gia đình ông mua khu đất trồng cây lâu năm có diện tích gần 1.800m2 tại phường Tân Thuận, quận 7 và làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở. Ông đi nộp hồ sơ đến năm lần từ năm 2017 đến năm 2020 nhưng hồ sơ của ông vẫn chưa được giải quyết.

“Chúng tôi mua khu đất này với giá trị khoảng 40 tỉ đồng. Nếu được giải quyết sớm thì chúng tôi đã được đưa đất vào khai thác và mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình. Trong khi đó, ngân sách nhà nước cũng thu được thêm nguồn tiền không nhỏ từ việc thực hiện nghĩa vụ tài chính. Chậm giải quyết thủ tục hành chính thì không những người dân bị lãng phí tài sản mà nhà nước cũng thất thu”, ông Khương nói.

Người dân làm thủ tục hành chính tại quận 12, TP.HCM. Ảnh VH

Người dân làm thủ tục hành chính tại quận 12, TP.HCM. Ảnh VH

Theo cử tri Trần Việt Trung (TP.Thủ Đức), TTHC trong lĩnh vực đất đai, xây dựng hiện nay vẫn được giải quyết chậm và còn tình trạng trễ hạn. Người dân cũng không được biết hồ sơ của mình đang giải quyết đến đâu, mốc trả hồ sơ được trả lời chung chung do cơ quan nhà nước không công khai rõ thời gian giải quyết TTHC đó là bao nhiêu này nên người dân rất khó để biết.

Lấy ví dụ về việc cấp giấy chứng nhận cho các căn hộ chung cư, ông Trung cho rằng còn rất chậm. Cơ quan chức năng thì nói trách nhiệm do chủ đầu tư nhưng chủ đầu tư lại đổ thừa do cơ quan nhà nước không hướng dẫn.

“Cần có giải pháp gì để công khai minh bạch việc giải quyết TTHC? Vấn đề tăng cường sử dụng công nghệ thông tin vào các khâu tiếp nhận, giải quyết hồ sơ được thực hiện như thế nào? Giải pháp nào để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận?”, cử tri Khương đặt vấn đề.

Các kios để người dân đánh giá sự hài lòng về giải quyết TTHC tại quận 4. Ảnh VH

Các kios để người dân đánh giá sự hài lòng về giải quyết TTHC tại quận 4. Ảnh VH

Không chỉ riêng cấp giấy chứng nhận, chuyển mục đích sử dụng đất mà cử tri TP còn than phiền về các thủ tục như tách thửa, hoàn công, cấp phép xây dựng công trình phụ trợ sản xuất nông nghiệp (như nhà màng, nhà lưới) cũng nhiêu khê. Người dân phải đi lại bổ túc nhiều lần, trong khi người dân đi làm thì lâu và khó trong khi để dịch vụ đi làm thì lại rất dễ….

Thũ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai còn có hạn chế

Liên quan đến việc nộp hồ sơ năm lần vẫn chưa được giải quyết chuyển mục đích của ông Đinh Công Khương, Phó Chủ tịch UBND quận 7 Lê Văn Thành đã có những giải trình. Theo ông Thành, hồ sơ của ông Khương vướng phải ba điều kiện: trên đất đang có căn nhà xây trái phép chưa tháo dỡ, giấy chứng nhận đã hết hạn nhưng chưa được gia hạn và kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của quận 7 chưa được TP phê duyệt. Vì vậy, hồ sơ của ông Khương chưa được giải quyết.

Tuy nhiên, ông Thành cho biết, hiện nay gia đình ông Khương đã tháo dỡ căn nhà xây dựng trái phép, gia hạn thời hạn sử dụng đất. “Khi kế hoạch sử dụng đất năm 2022 được duyệt thì quận 7 sẽ giải quyết ngay”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, quận 7 đã liên thông 100% TTHC về nhà đất để người dân thực hiện dễ dàng. Ông Thành khẳng định, riêng giải quyết thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất là 100% đúng hạn.

Để rút ngắn thời gian phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm, ông Thành cho biết, theo quy định của Luật Đất đai, hàng năm TP đều phải phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của quận, huyện trên tất cả các lĩnh vực.

Vì vậy thời gian thường kéo dài. Ông Thành kiến nghị, hàng năm nên có hai đợt phê duyệt ưu tiên cho hồ sơ đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở riêng lẻ theo hạn mức phù hợp. Qua đó, vừa đảm bảo giải quyết nhu cầu người dân và tránh tình trạng xây dựng trái phép.

Liên quan đến ý kiến của các cử tri, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT thừa nhận, TTHC trong lĩnh vực đất đai còn có hạn chế, người dân và doanh nghiệp còn chịu nhiều phiền hà. Ông Thắng khẳng định, công khai minh bạch TTHC là điều chắc chắn ngành TN&MT phải làm. Hiện nay, đã có phần mềm một cửa điện tử để người dân có thể tra cứu khi giải quyết hồ sơ.

Ông Thắng cho biết, do phần mềm này hiện chưa được Bộ TN&MT chính thức cho phép nên TP đang thí điểm tại quận 1, 3 và TP Thủ Đức. “TP đã báo cáo Bộ TN&MT cho phép TP đi trước để giải quyết công khai minh bạch hồ sơ TTHC cho dân”, ông Thắng nói.

Giám đốc Sở TN&MT cũng cho biết, hiện nay ngành TN&MT có ba dự án đầu tư máy móc thiết bị chuyển đổi số với tổng kinh phí lên đến hơn 1.400 tỉ đồng. Do khó khăn về ngân sách, sở này đề xuất TP trước mắt sẽ thuê các đơn vị làm dịch vụ thay vì phải mua máy móc, trang thiết bị.

Sẽ thống nhất 1 bản vẽ làm được 2 thủ tục

Trong lĩnh vực cấp phép xây dựng, ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, ngành xây dựng cũng đã sử dụng dịch vụ công trực tuyến để tiếp nhận và giải quyết hồ sơ. Ngoài ra, Sở Xây dựng còn xây dựng app SXD247 trên điện thoại thông minh. Người dân có thể theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ cũng như phản ánh các vấn đề liên quan đến trật tự xây dựng thông qua app này.

Ông Kiên cũng thông tin, sở này đang phối hợp với Sở TN&MT thống nhất một bản vẽ để sử dụng cho hai mục đích là cấp phép xây dựng và cấp giấy chứng nhận để giảm bớt thủ tục cho người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm