"Rất vất vả, chúng tôi đầu tư dự án tới 200 ha và phải mất 15 năm cho thủ tục hành chính và mỗi lần điều chỉnh cục bộ thì gặp rất nhiều thủ tục nên rất ngại điều chỉnh" - bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho biết trong buổi tọa đàm "Thị trường bất động sản thế nào sau dịch COVID-19". Buổi tọa đàm được báo Thanh Niên tổ chức sáng 11-6.
Tương tự, ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, cho rằng khi làm dự án, doanh nghiệp không tìm cách lách luật nhưng đôi khi gặp khó khăn thì "không biết hỏi ai".
Đơn cử như bước cuối cùng cấp sổ hồng cho người dân rất khó khăn dù doanh nghiệp đã hoàn thành hết thủ tục kể cả nghĩa vụ tài chính nhưng chỉ cần có điều chỉnh về công năng (vẫn đủ điều kiện cấp sổ hồng) thì tất cả các bộ đều e dè khi cấp sổ cho cư dân.
"Chúng tôi đi tới đâu cũng bị hỏi là đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính hay chưa. Tại sao những quy định pháp luật rõ ràng mà không giải quyết cho doanh nghiệp, bắt chúng tôi đi hỏi rất nhiều nơi" - ông Dũng nói.
Thị trường bất động sản có nhiều dấu hiệu hồi phục sau dịch COVID-19. Ảnh minh họa: KIÊN CƯỜNG
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), không chỉ riêng các doanh nghiệp trên, TP hiện có khoảng 126 dự án có quyết định chủ trương đầu tư nhưng vướng nhiều khâu thủ tục hành chính nên chưa thể "khơi thông". Vì vậy, hiệp hội đã kiến nghị xây dựng quy trình đầu tư xây dựng dự án bất động sản với UBND TP.HCM.
Nói về vấn đế này, ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho rằng quy trình đang được xây dựng là quy trình của các sở ngành để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan để triển khai đầu tư xây dựng dự án bất động sản.
"Quy trình này được trích dẫn ra từ các quy định pháp luật liên quan để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hiểu cũng như các cơ quan quản lý nắm được trình tự thủ tục và đặc biệt theo quy trình doanh nghiệp sẽ biết được mình đang ở bước nào, trách nhiệm giải quyết của sở ngành nào, thời gian giải quyết là bao lâu" - ông Kiên phân tích.
Cụ thể, Sở Xây dựng đang xem xét quy trình này có 4 hoặc 5 bước, từng bước thuộc trách nhiệm của sở ngành nào, thời gian từng bước là bao lâu. Hiện nay đang chờ tiếp các ý kiến của các sở ngành có liên quan để có thể trình UBND TP.HCM.
"Sau khi quy trình này được UBND TP xem xét và thông qua thì nó sẽ là một thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp bất động sản. Mặt khác, về tháo gỡ khó khăn, hằng tuần chúng tôi đều có các cuộc họp nhằm giải quyết ách tắc cho các dự án" - ông Kiên khẳng định.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), thông tin thêm: Hoạt động kinh doanh bất động sản chịu sự quản lý của nhiều bộ ngành, quy trình các bước liên quan đến nhiều luật khác nhau: luật đầu tư, luật đất đai, luật doanh nghiệp…
"Thực tế đặt ra hiện nay là phải có quy trình chuẩn về việc này, đề nghị TP xây dựng, ban hành vì điều này thuộc thẩm quyền của địa phương. Nếu có khúc mắc cần ý kiến của các bộ ngành, thì các bộ ngành sẽ góp ý" - ông Ninh chia sẻ.
5 tháng đầu năm, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết đã xác nhận đủ điều kiện cho 12 dự án được cấp phép huy động vốn hình thành trong tương lai, giảm 25% so cùng kỳ, với tổng số 3.826 căn. |