Thủ tướng: Bắt đầu cao điểm chống dịch COVID-19

Sáng 7-8, phát biểu kết luận cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương về phòng, chống dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cuộc chiến chống dịch COVID-19 ở Việt Nam đã bắt đầu sang thời kỳ cao điểm.

Không để thiếu sinh phẩm, vật tư y tế

Thủ tướng hoan nghênh Bộ Y tế và các địa phương, đặc biệt là lực lượng y tế cả nước đã tích cực hỗ trợ cho vùng tâm dịch Đà Nẵng và Quảng Nam với tinh thần trách nhiệm cao. “Hình ảnh bác sĩ từ Hải Phòng lên đường, tạm biệt gia đình, vợ con hết sức cảm động và nhiều tấm gương khác, nhiều nhà hảo tâm đã đóng góp máy thở, phương tiện, vật tư y tế, tiền bạc cho công cuộc này” - Thủ tướng nói.

Theo người đứng đầu Chính phủ, nguy cơ lây nhiễm cộng đồng rất cao, đặc biệt là trong hai tuần tới ở các địa bàn trọng điểm như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội và TP.HCM, từ đó đòi hỏi quyết tâm cao hơn nữa của cả hệ thống chính trị, cần có các biện pháp mạnh mẽ để truy vết, xét nghiệm, cách ly và làm kiên quyết hơn để dập dịch. “Chúng ta phải kiên trì giãn cách xã hội ở những ổ dịch một cách nghiêm túc, kịp thời theo Chỉ thị 16, Chỉ thị 19 nhưng không đồng nghĩa với thực hiện đồng loạt giãn cách xã hội ở những địa phương, vùng chưa có dịch xảy ra để đảm bảo hoạt động tối thiểu, cần thiết, tránh đứt gãy nền kinh tế” - người đứng đầu Chính phủ nói.

Để phòng, chống dịch hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu quán triệt tinh thần tập trung cao độ, phản ứng nhanh và hiệu quả; huy động tổng lực, phối hợp, kết hợp tốt, nhuần nhuyễn giữa các lực lượng chống dịch; quyết tâm kiềm chế, kiểm soát tốc độ lây nhiễm ở mức thấp nhất. Đối với các cơ sở y tế, không được chủ quan để dịch bùng phát ở các bệnh viện (BV), bảo vệ đội ngũ cán bộ y tế.

Các địa phương có dịch phải dành phương tiện, nguồn lực để khoanh vùng, cách ly xã hội nghiêm ngặt tất cả các nơi được coi là ổ dịch. Xét nghiệm nhanh, chính xác là chìa khóa ngăn bệnh dịch lây lan, do đó cần xét nghiệm PCR, truy vết nhanh hơn nữa đối với các đối tượng nguy cơ cao.

Đối với Bộ Y tế, ông Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu bộ này hỗ trợ vật tư, nguồn nhân lực cho các địa phương theo tinh thần đảm bảo đủ thiết bị, không để thiếu sinh phẩm, vật tư y tế. Song song đó, cần tránh nguy cơ tham nhũng, không lấy lý do vì cơ chế mà để chậm, trong trường hợp thiếu kinh phí, khẩn trương báo cáo trung ương xử lý; thực hiện đúng quy định về đấu thầu trong thời kỳ dịch bệnh. “Không được nói là vì tôi thiếu tiền, thiếu tiền thì phải xuất ngân sách dự phòng hoặc báo cáo gấp trung ương để xử lý vấn đề này” - Thủ tướng lưu ý.

Người dân TP.HCM tuân thủ việc đeo khẩu trang nơi công cộng để phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh:  HOÀNG GIANG

Duy trì hoạt động kinh tế nhưng phải phòng dịch chặt chẽ

Ngoài những vấn đề trên, Thủ tướng cũng đề nghị mọi người cần thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Qua việc này, Thủ tướng hoan nghênh TP.HCM và Hà Nội đã xử phạt nghiêm khắc đối với cá nhân không sử dụng khẩu trang ở nơi đông người. “Tăng cường sản xuất máy thở và khẩu trang y tế cho các tỉnh, thành phố trọng điểm cũng là yêu cầu hiện nay. Sẵn sàng thành lập các BV dã chiến tại những địa phương cần thiết như Đà Nẵng, Quảng Nam và các thành phố có thể đông người lây nhiễm” - Thủ tướng nói.

Theo ông Nguyễn Xuân Phúc, một chiến lược phòng, chống dịch hiệu quả và bền vững phải dựa trên cơ sở duy trì sự liên tục của các hoạt động kinh tế. Do đó, Thủ tướng yêu cầu duy trì hoạt động kinh tế nhưng phải chú ý phòng dịch chặt chẽ. Không thể dừng các hoạt động kinh tế nhưng không phải vì kinh tế mà ảnh hưởng tới phòng, chống dịch bệnh, đồng thời không để xảy ra tình trạng ngăn sông cấm chợ.

Thủ tướng cũng giao chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ diễn biến dịch quyết định mức độ nguy cơ và áp dụng các biện pháp chống dịch phù hợp, kiên quyết.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về những biện pháp cần thiết trong phòng, chống dịch, đặc biệt là xử lý nghiêm các trường hợp chủ quan, khinh suất gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.

14 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh

Thông tin từ Tiểu ban điều trị Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết ngày 7-8, có ba bệnh nhân mắc COVID-19 tại BV đa khoa tỉnh Nam Định được công bố khỏi bệnh. Các bệnh nhân gồm BN387 (nam, 25 tuổi); BN410 (nam, 37 tuổi); BN412 (nam, 49 tuổi).

Trong ngày 6-8, có 11 bệnh nhân mắc COVID-19 tại BV đa khoa Bà Rịa-Vũng Tàu được công bố khỏi bệnh gồm: BN374 (nam, 35 tuổi), BN376 (nam, 35 tuổi), BN377 (nam, 32 tuổi), BN378 (nam, 35 tuổi), BN379 (nam, 31 tuổi), BN380 (nam, 30 tuổi), BN381 (nam, 55 tuổi), BN382 (nam, 64 tuổi), BN384 (nam, 27 tuổi), BN403 (nam, 55 tuổi), BN408 (nam, 42 tuổi). 

Lây nhiễm theo cụm gia đình rất cao

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết đợt dịch lần này với ổ dịch là TP Đà Nẵng và tâm dịch lớn nhất tại BV đa khoa Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh với 186 trường hợp.

Những ca này tập trung vào các khoa điều trị bệnh nhân nặng như nội thận tiết niệu, hồi sức tích cực, nội thần kinh, trong đó có 19 nhân viên y tế, 77 bệnh nhân, 90 người nhà, người chăm sóc bệnh nhân và đã có lây nhiễm thứ phát từ những trường hợp mắc trong BV ra cộng đồng với 18 trường hợp.

Cùng đó là xuất hiện nhiều ổ dịch nhỏ khác có nguy cơ lây nhiễm và bùng phát với 20 trường hợp được phát hiện ở TP Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác là các trường hợp đi tham quan du lịch, làm việc tại Đà Nẵng. “So sánh về tốc độ lây lan giữa hai BV là BV đa khoa Đà Nẵng và BV Bạch Mai cho thấy có thể tốc độ lây lan của chủng virus lần này tại BV đa khoa Đà Nẵng nhanh và phát tán rộng hơn nhiều lần” - ông Long nói.

Theo ông Long, so với tình hình dịch bệnh giai đoạn trước, các trường hợp lây nhiễm tại Đà Nẵng trong đợt dịch này khá đa dạng với nhiều hình thức lây nhiễm khác nhau. Trong đó phổ biến nhất là lây nhiễm trong gia đình, lây sang cho người quen thường xuyên tiếp xúc, lây qua các sự kiện như đám ma, đám giỗ, đám cưới với hoạt động ăn uống tập thể, đồng thời cũng xuất hiện nhiều điểm lây nhiễm đáng lo ngại khác như bến xe, trường học, công ty và các cơ sở y tế...

Trong các hình thức này, lây nhiễm trong các hộ gia đình khá phổ biến, số lượng trường hợp mắc theo cụm gia đình rất cao, tính đến thời điểm hiện tại (78 trường hợp trong 27 cụm gia đình) và cao hơn rất nhiều so với trong giai đoạn trước (chỉ có hai cụm gia đình nhỏ).

Bên cạnh đó, do đặc điểm các hộ gia đình ở Việt Nam sống chung nhiều thế hệ nên nguy cơ người già, trẻ em bị nhiễm bệnh trong gia đình là rất cao. Hiện tại, tỉ lệ trẻ em mắc COVID-19 là 2,7%, người già trên 60 tuổi là 30,6%.

Thêm 34 ca COVID-19, Đà Nẵng tiếp tục là tâm điểm với 22 ca

Chiều 7-8, Bộ Y tế thông báo cả nước ghi nhận thêm 34 ca mắc COVID-19 mới, trong đó Đà Nẵng có 22 ca.

Cụ thể: Ca bệnh 751 (BN751) tại Hải Dương là bệnh nhân nam, 45 tuổi, ở Cam Thúc Bắc, Cam Ranh, Khánh Hòa; ca bệnh 752 (BN752) tại Hà Nội là bệnh nhân nữ, 30 tuổi, ở Phúc Thọ, Hà Nội; ca bệnh 753 (BN753) tại TP.HCM: Bệnh nhân nam, 30 tuổi, quốc tịch Philippines, liên quan chuyến bay CX906 từ Philippines về sân bay Tân Sơn Nhất; ca bệnh 754 (BN754) tại Bà Rịa-Vũng Tàu: Bệnh nhân nam, 30 tuổi, liên quan tàu chở gas Texiana từ Qatar về cảng Vũng Tàu ngày 28-7. Ca bệnh 755 đến 771 và 780 đến 784 (BN755-771 và BN780-784) tại Đà Nẵng: Gồm 16 ca là bệnh nhân, ba ca là F1, hai ca là người thăm, một ca tại quận Hải Châu. Ca bệnh 722-779 (BN772-779) tại Quảng Nam gồm các đối tượng: Bảy ca là F1, một ca thăm người thân tại Khoa nội thận - nội tiết, BV Đà Nẵng.

HÀ PHƯỢNG 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm