Thủ tướng: Đột phá trong việc bỏ khung giá đất

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định điểm đột phá của Nghị quyết 18/2022 là bỏ khung giá đất nhưng HĐND cấp tỉnh phải quyết định bảng giá đất.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-7, Bộ Chính trị, Ban bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt, học tập các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII.

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã truyền đạt nội dung Nghị quyết 18 về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu tham dự tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HẢI

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu tham dự tại hội nghị. Ảnh: HOÀNG HẢI

Không ưu tiên phát triển bất động sản từ đất đai

Theo Thủ tướng, đây là nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến cả quá khứ, hiện tại, tương lai; liên quan đến cả tôn giáo, dân tộc, kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng…

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu vấn đề nhiều nơi khai thác đất đai chưa hiệu quả. “Đất đai là một hằng số, không thể đẻ ra được nữa, cần sử dụng sao cho hiệu quả khi dân số càng ngày càng đông, yêu cầu phát triển càng ngày càng cao” - Thủ tướng đặt vấn đề và cho biết nhiều địa phương thấy đất chỗ nào đẹp thì đưa vào làm bất động sản, trong khi lẽ ra phải đưa vào sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, phát triển đô thị.

“Trước hết phải từ đất đai tạo ra công ăn việc làm, chứ không phải từ đất đai lại ưu tiên cho sự phát triển bất động sản khiến Nhà nước, doanh nghiệp, người dân đều khó khăn” - Thủ tướng nhấn mạnh và nêu việc không xử lý hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thu hồi đất sẽ gây ra nhiều khiếu kiện, bất cập, nhất là trong thu hồi, bồi thường đất.

Bên cạnh đó, những hạn chế, bất cập trong chính sách, pháp luật về đất đai còn chồng chéo, chưa thống nhất đã tạo ra khe hở cho các đối tượng xấu, lợi ích nhóm lợi dụng.

Theo Thủ tướng, con người nằm trong tổ chức xác định giá đất phải kỹ càng, có quy trình sàng lọc, có người kiểm tra, giám sát… để tránh tiêu cực.

Chỉ thu hồi đất khi có phương án tái định cư

Đi sâu vào sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết 18 đặt ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu nhiều điểm mới.

Về đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Thủ tướng cho rằng quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, lâu dài. Tránh việc vừa quy hoạch xong, giao đối tác này nhưng không làm được, khi đối tác khác đến “chạy chọt” lại thay đổi quy hoạch.

“Điểm mới của nghị quyết lần này là yêu cầu quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất…” - Thủ tướng nói và khẳng định người làm quy hoạch và cả người tiếp nhận quy hoạch cũng phải trong sáng.

Nhà nước thống nhất quản lý về đất đai

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng là đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu.

Đáng chú ý, đối với đất đai do lịch sử để lại, Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai… “Đây là điểm mới, tức không hồi tố. Bởi quá trình thực hiện chính sách đất đai ở giai đoạn nào cũng có mặt tích cực và hạn chế, khi đã làm ổn định rồi thì không xem xét lại” - Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cũng nêu việc khiếu kiện liên quan đất đai giai đoạn 2014-2020 thường chiếm 60%-70% số lượng vụ việc hành chính; trong đó chủ yếu liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Việc chậm giải phóng mặt bằng, nhiều dự án lớn chậm tiến độ, đội vốn cũng liên quan đến tái định cư. Do đó nghị quyết lần này nêu rõ việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt. Người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Đáng chú ý, về cơ chế xác định giá đất, người đứng đầu Chính phủ thông tin điểm mới đột phá lần này là bỏ khung giá đất. Theo Thủ tướng, nghị quyết mới quy định cần có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất; đạo đức của các thành viên…

“Bỏ khung giá đất nhưng trung ương phải xác định tiêu chuẩn, quy trình xây dựng bảng giá đất và HĐND cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc này. Tức vừa có sự quản lý của trung ương vừa phân cấp cho địa phương” - Thủ tướng nói.

Ông cũng nhấn mạnh nghị quyết đã yêu cầu xây dựng cơ chế hữu hiệu để nâng cao chất lượng thẩm định giá đất, đảm bảo tính độc lập của hội đồng thẩm định và năng lực của tổ chức tư vấn xác định giá; năng lực và đạo đức của các định giá viên. Giá đất phải được công khai và mọi giao dịch thông qua sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt.

“Cuối cùng, con người nằm trong tổ chức xác định giá đất là phải kỹ càng, có quy trình sàng lọc, có người kiểm tra, giám sát… Vì con người làm không tốt, có tiêu cực, có vấn đề cá nhân thì dù cơ chế kiểm soát cách mấy họ cũng tìm cách làm sai” - Thủ tướng nói.

4 nội dung đặc biệt quan trọng của Nghị quyết 18

Nghị quyết (NQ) 18 có nhiều nội dung mới, có giá trị đặc biệt quan trọng trong lộ trình hoàn thiện hệ thống pháp luật trong tình hình mới. Nhiều nội dung đặt ra có ý nghĩa lớn về kinh tế, chính trị, xã hội... mà khi Luật Đất đai được sửa đổi theo tinh thần này sẽ giải quyết được hàng loạt vấn đề thực tiễn.

Thứ nhất, nội dung NQ có tác động trực tiếp đến kế hoạch lập pháp, lập quy tổng thể của Nhà nước, đặt ra nhu cầu hoàn thiện các luật nội dung quan trọng. Để thể chế hóa, NQ không chỉ đặt ra nhu cầu cấp bách sửa đổi Luật Đất đai mà còn đặt vấn đề hoàn thiện các luật chuyên ngành liên quan như Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tố tụng hành chính… Điều này rất có ý nghĩa trong hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Thứ hai, sự đổi mới tư duy trong quản lý đất đai. Bên cạnh việc tiếp tục khẳng định chế độ đặc biệt về sở hữu đất đai thì chủ trương của NQ cho thấy sự linh hoạt trong chế độ quản lý, tiệm cận với cơ chế quản lý đất đai mang tính thị trường định hướng XHCN (dù cần thêm những chủ trương mới nhất quán và rõ ràng hơn).

Đặc biệt, chủ trương bỏ khung giá đất là điểm mới và đắt giá của NQ, cho thấy sự quyết tâm đổi mới mạnh mẽ của Đảng về chính sách đất đai. Nếu nội dung này được Luật Đất đai tiếp thu và sửa đổi thì chắc chắn những thực trạng về khiếu nại, tố cáo, kiện tụng kéo dài liên quan đến đất đai thời gian qua sẽ được tháo gỡ.

NQ cũng chủ trương loại bỏ khâu trung gian, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp, thống nhất quản lý theo hướng nâng cao trách nhiệm của địa phương kèm theo cơ chế kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực hợp lý, phù hợp với yêu cầu phân cấp, phân quyền hiện nay, đặc biệt tại các đô thị lớn.

Hay với quan điểm mở đối với đối tượng, hạn mức sử dụng đất nông nghiệp và có tính đến đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương cũng có thấy chủ trương thúc đẩy thị trường hóa đất nông nghiệp. Điều này giảm thiểu tình trạng “đóng băng”, gây lãng phí đất nông nghiệp, đồng thời đáp ứng được nhu cầu thay đổi ngành nghề, lao động ở nông thôn khi người dân có nhu cầu. Những nội dung này của NQ không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà qua đó còn đạt được ý nghĩa chính trị sâu sắc, giải quyết được cơ bản những tồn đọng, vướng mắc giữa người dân và cơ quan quản lý đất đai.

Thứ ba, NQ đặt ra nhiệm vụ tăng cường kiểm soát về sử dụng, quản lý đất đai, tránh tùy tiện hoặc buông lỏng quản lý do thiếu thể chế. Có thể kể đến như “các tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước theo quy định”; giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; đánh thuế cao hơn với người sở hữu nhiều nhà đất, đầu cơ và bỏ hoang...

Thứ tư, NQ đề cao vai trò của người dân trong sử dụng, quản lý đất đai, không phải với tư cách người sử dụng đất mà là tư cách chủ thể giám sát, phản biện chính sách, pháp luật về đất đai. Điều này cho thấy không chỉ Đảng đề cao sự tôn trọng nhân dân trong các quyết sách của Đảng và Nhà nước, mà thực chất chính là điều kiện để bảo đảm hiện thực hóa hàng loạt chủ trương đổi mới của Đảng về đất đai.

TP.HCM có thể vận dụng tinh thần của NQ18, đề nghị trung ương phê chuẩn cơ chế đặc thù trong quản lý đất đai, kể cả việc vận dụng để xin cơ chế đặc thù thay thế NQ54.

TS NGUYỄN THỊ THIỆN TRÍ, Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm