Hôm nay (22-8), Thủ tướng Scott Morrison (ảnh) sẽ thăm chính thức hai ngày đến Việt Nam. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh nhóm tàu Địa chất hải dương 8 của Trung Quốc (TQ) đang xâm phạm vùng biển Việt Nam trong nhiều ngày qua.
Cho đến lúc này, Úc vẫn “im lặng kỳ lạ” trước sự kiện bãi Tư Chính. Giới chuyên gia nhìn nhận mối quan hệ kinh tế quan trọng với Bắc Kinh khiến Canberra tỏ ra “tế nhị” trong các động thái nhằm vào TQ. Chưa kể, Úc không phải là quốc gia “chính danh” ở biển Đông vì không có yêu sách chủ quyền mặc dù trong Sách trắng ngoại giao 2017 của Úc, Canberra nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và khẳng định lợi ích của Úc gắn liền với một biển Đông hòa bình, ổn định dựa trên luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Bắc Kinh được cho là đang để mắt tới hai quốc gia Vanuatu và Tonga, nơi sẽ đặt các căn cứ hải quân Thái Bình Dương của TQ trong tương lai. Hai nước này chỉ cách bờ biển Úc khoảng 2.000 km. Nếu xây dựng thành công, vị thế quân sự của TQ sẽ được củng cố đáng kể nhờ vào một mạng lưới các căn cứ trái phép (như các đảo nhân tạo) đặt rải rác khắp biển Đông và Ấn Độ Dương. Hậu quả là quân đội Úc bị đặt vào tình thế hoàn toàn khó khăn.
“Ông Morrison sẽ là thủ tướng Úc đầu tiên có một chuyến thăm riêng đến Việt Nam kể từ năm 1994. Các chuyến thăm của Úc trước đây thường tới cùng một nhóm nước hoặc dự hội nghị quốc tế.” - theo hãng tin Australian Associated Press. Đó là một điều đặc biệt. Tuy nhiên, việc chọn thời điểm hiện nay để thực hiện điều đặc biệt ấy lại càng có ý nghĩa. Việc ông Morrison lên tiếng về biển Đông sẽ phần nào gửi đi thông điệp chính thức về lập trường của quốc gia này đối với biển Đông.
Liệu lập trường đó có cứng rắn với lối hành xử phạm pháp của TQ? Liệu chuyến thăm có gợi mở các hình thức hợp tác kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng giữa Úc (và hệ thống đối tác của Úc) với Việt Nam? Đây không phải là câu hỏi, mà là sự kỳ vọng cho tương lai của cả hai quốc gia.