Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ trả lời bằng văn bản chất vấn của ĐBQH

(PLO)- Trong hai ngày rưỡi phiên chất vấn, trả lời chất vấn, sẽ có không ít câu hỏi của ĐBQH chưa được thành viên Chính phủ trả lời trực tiếp. Tất cả sẽ được trả lời nghiêm túc bằng văn bản.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh thừa ủy quyền của Thủ tướng chiều nay, 9-6, đã đăng đàn báo cáo, giải trình thêm các nội dung mà ĐBQH đặt ra sau phiên chất vấn kéo dài hai ngày rưỡi tại Quốc hội.

Chính phủ trân trọng lắng nghe, tiếp thu

Phó Thủ tướng cho biết ông cảm nhận hầu hết các ĐBQH đánh giá cao các kết quả công tác Chính phủ đạt được từ sau kỳ họp thứ 3 của Quốc hội đến nay. Những kết quả đó là đáng trân trọng, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Bên cạnh đó, các ĐBQH, cử tri cũng đề cập đến những tồn tại, hạn chế, bất cập trên nhiều lĩnh vực cần khẩn trương khắc phục, xử lý hiệu quả. Chính phủ “trân trọng lắng nghe, nghiêm túc tiếp thu” mọi ý kiến, và yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung xử lý, giải quyết.

“Đối với những vấn đề chất vấn bằng văn bản hoặc các ĐBQH chất vấn trực tiếp nhưng chưa được trả lời, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ nghiêm túc trả lời bằng văn bản gửi đến các ĐBQH” - Phó Thủ tướng báo cáo.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu, giải trình làm rõ thêm một số vấn đề mà ĐBQH chất vấn trong những ngày qua. Ảnh: DT

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu, giải trình làm rõ thêm một số vấn đề mà ĐBQH chất vấn trong những ngày qua. Ảnh: DT

Báo cáo thêm về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 của QH đang được Chính phủ triển khai, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết: “Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, cơ quan khắc phục mọi khó khăn, triển khai Chương trình nhanh hơn và hiệu quả, thực chất”.

Về ba chương trình mục tiêu quốc gia mà ĐBQH đanh giá là triển khai chậm, Phó Thủ tướng thừa nhận là quá trình triển khai chưa đạt yêu cầu. “Đây là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng. Do khối lượng công việc nhiều, phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng trên phạm vi cả nước, nên phải rà soát kỹ để tránh những sai sót, tiêu cực có thể xảy ra” - ông nói.

Thúc giải ngân, lập quy hoạch

Trong các buổi thảo luận kinh tế - xã hội cũng như phiên chất vấn, nhiều ĐBQH và cả lãnh đạo QH băn khoăn, sốt ruột với tình trạng giải ngân chậm vốn đầu tư công. Ông Phạm Bình Minh bày tỏ đây cũng là ưu tiên của Chính phủ. Vì vậy, Thủ tướng đang tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương phải xác định giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, ông đề nghị các đoàn ĐBQH, HĐND các địa phương tăng cường giám sát công tác giải ngân vốn đầu tư công tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình; kịp thời có ý kiến với UBND cấp tỉnh để thúc đẩy giải ngân, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình trong năm 2022.

Kỳ họp này, Quốc hội đã báo cáo giám sát, chỉ ra hàng loạt bất cập, yếu kém trong công tác thể chế hóa, làm Luật Quy hoạch và tổ chức thi hành. Phó Thủ tướng thừa nhận “tiến độ lập quy hoạch của các bộ, ngành, địa phương vẫn còn chậm so với yêu cầu”. Dù được Nghị quyết 751/2019 của Ủy ban Thường vụ QH tháo gỡ nhưng chính kết quả giám sát tối cao của QH cũng cho thấy Luật Quy hoạch còn nhiều chồng chéo, bất cập, chưa rõ ràng, còn cách hiểu khác nhau.

Vì vậy tới đây, Chính phủ và Thủ tướng sẽ chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp mà QH thông qua. Đồng thời đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; hoàn thành quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành, hạ tầng quan trọng trong năm 2022; phấn đấu hoàn thành các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch ngành quốc gia trong năm 2023.

Quyết liệt hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định từ tháng 4-2021 đến nay Chính phủ đã xây dựng và trình QH 13 Luật; ban hành 124 Nghị định, 190 Nghị quyết.

Thủ tướng đã ban hành 37 Quyết định quy phạm pháp luật, 2.409 Quyết định cá biệt để thực hiện Luật, Nghị quyết của Quốc hội.

“Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế thời gian qua có nhiều đổi mới, tập trung tháo gỡ, xử lý những vướng mắc, điểm nghẽn, góp phần quan trọng vào thành công trong phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội” - Phó Thủ tướng nói và khẳng định kết quả ấy có sự đồng hành, phối hợp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả của Ủy ban Thường vụ QH và QH.

Chính phủ cũng có nhiều nỗ lực về cải cách hành chính và các chỉ số cải cách hành chính đều tăng.

Tuy vậy, Phó Thủ tướng cũng thừa nhận việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn tình trạng phải điều chỉnh, chậm, nợ văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để...

Cải cách thủ tục hành chính chưa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra; tiến độ rà soát, tháo gỡ vướng mắc còn chậm; còn xảy ra nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi công vụ...

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm