Chiều 13-11, Bộ TT&TT tổ chức họp báo công bố kế hoạch chuyển mạng giữ nguyên số. Theo đó, dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số sẽ thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone sẽ triển khai cho các thuê bao trả sau từ ngày 16-11-2018; từ ngày 1-1-2019, các doanh nghiệp (DN) Viettel, VinaPhone, MobiFone và Vietnamobile sẽ đồng loạt cung cấp dịch vụ chuyển mạng cho cả thuê bao di động trả trước và trả sau.
Đây là dịch vụ giúp người dùng di động có thể lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ di động mà không phải thay đổi số thuê bao. Hiểu đơn giản, việc chuyển mạng giữ nguyên số cho phép người dùng chuyển đổi qua lại giữa các nhà mạng với nhau nhưng vẫn sử dụng số điện thoại đang dùng.
Có thể bị gián đoạn dịch vụ hai tiếng
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho hay để thực hiện chuyển mạng giữ số, khách hàng chỉ phải làm thủ tục một lần tại điểm giao dịch của nhà mạng chuyển đến. “Khách hàng muốn chuyển đến nhà mạng nào thì chỉ cần đến làm việc với nhà mạng đó miễn là đã thanh toán đầy đủ cho nhà mạng sử dụng trước đó. Quá trình chuyển đổi này có thể gây gián đoạn dịch vụ tối đa hai tiếng” - Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhấn mạnh.
Vẫn theo Thứ trưởng Hải, để có thể chuyển mạng giữ nguyên số, khách hàng chỉ phải đóng duy nhất một khoản cước chuyển mạng 60.000 đồng. Tuy vậy, đây là mức cước Bộ định hướng các DN, còn giá cước cuối cùng sẽ do các nhà mạng thống nhất, công bố, niêm yết công khai.
“Cước dịch vụ chuyển mạng có thể được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế để đảm bảo việc chuyển mạng không có tác động tiêu cực đến thị trường dịch vụ thông tin di động mặt đất” - ông Hải thông tin.
Giải thích rõ hơn, bà Cao Thị Thu Huyền, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom, cho biết: Mức phí người chuyển đến chỉ trả một lần là 60.000 đồng, gồm cả phí hòa mạng và SIM, bằng với mức phí hòa mạng của thuê mạng mới. Đại diện MobiFone cũng cho biết mức phí tương tự Viettel.
Mức phí khi chuyển đến sử dụng nhà mạng mới là 60.000 đồng. Ảnh: TH
Tác động ra sao đến khách hàng?
Liên quan đến những tác động của việc chuyển đổi, đặc biệt là đối với các số sử dụng để nhận mã xác thực của ngân hàng, Cục Viễn thông cho biết: Dịch vụ ngân hàng hiện nay chia làm hai đối tượng cung cấp dịch vụ.
Thứ nhất, ngân hàng có khả năng tự định tuyến được nhắn tin đến người dân, các cú pháp đó có thể nối trực tiếp hoặc truy vấn cơ sở dữ liệu của Cục Viễn thông. Sau đó định tuyến tin nhắn cho đúng thuê bao cung cấp dịch vụ. Thứ hai, ngân hàng không làm dịch vụ định tuyến có thể ký hợp đồng với các nhà mạng để thực hiện chuyển tiếp tin nhắn đến khách hàng.
124 triệu thuê bao di động Theo thống kê của Cục Viễn thông, tính đến tháng 5-2018, Việt Nam có xấp xỉ 124 triệu thuê bao di động. Trong đó, số thuê bao trả sau chiếm khoảng 8 triệu thuê bao, tương đương 7% tổng số thuê bao. |
Theo thống kê từ Cục Viễn thông, dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số được triển khai trong bối cảnh các nhà mạng đang cung cấp dịch vụ cho trên 120 triệu thuê bao nên phải thực hiện từng bước chắc chắn để không có tác động tiêu cực đến hoạt động của toàn bộ mạng viễn thông.
“Cục Viễn thông và các DN di động đã thống nhất sẽ triển khai dịch vụ đối với các thuê bao trả sau (khoảng 5%) để đánh giá tác động của dịch vụ đối với thị trường, kịp thời có các biện pháp để loại bỏ tác động tiêu cực nếu có trước khi triển khai trên diện rộng” - đại diện Cục Viễn thông cho hay.
Khách hàng cần làm gì? Các nhà mạng thống nhất quy định thời gian giữa hai lần chuyển mạng tối thiểu là 90 ngày. Chủ thuê bao phải chuẩn bị các loại giấy tờ tùy thân, giấy giới thiệu của tổ chức, DN và đến các điểm giao dịch của DN viễn thông. Ngoài ra, DN viễn thông được quyền từ chối chuyển mạng đối với các thuê bao có thông tin đăng ký dịch vụ không chính xác, đang có khiếu nại, tranh chấp việc sử dụng dịch vụ hoặc vi phạm hợp đồng. Khách hàng có nhu cầu chuyển mạng giữ số nhắn tin theo cú pháp YCCM gửi 1441. Khi có tin nhắn xác nhận thành công, khách hàng đến điểm giao dịch của nhà mạng chuyển đến để làm thủ tục đăng ký. Thuê bao không bị hạn chế số lần chuyển lại mạng cũ nếu không hài lòng về chất lượng mạng mới đến. Không phải cắn răng sử dụng dịch vụ kém Một số chuyên gia nhìn nhận với dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số, những DN nào có hạ tầng, dịch vụ tốt, khuyến mãi nhiều, chăm sóc khách hàng chu đáo sẽ có cơ hội thu hút thêm nhiều thuê bao mới. Ngược lại sẽ mất khách hàng vào tay nhà mạng khác. Với người dùng sẽ có thêm lựa chọn mới phù hợp hơn với nhu cầu, sở thích của mình mà không phải quá tốn kém. “Nhà mạng tôi đang dùng cứ về vùng sâu vùng xa là sóng điện thoại chập chờn. Dù chất lượng dịch vụ, chất lượng chăm sóc khách hàng, các dịch vụ chưa đáp ứng đúng nhu cầu sử dụng nhưng tôi vẫn phải cắn răng dùng tiếp. Nay áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số, tôi sẽ lựa chọn nhà mạng có chất lượng dịch vụ tốt hơn để dùng” - anh Minh Tuấn, nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM nói. |