Bức ảnh gây bão mạng không phải vì sự “kinh khủng” của vụ tai nạn mà là vì cách hành xử rất văn minh của hai thanh niên.
Khi vụ tai nạn xảy ra, hiện trường được giữ nguyên, còn hai thanh niên thì ngồi bên lề đường chờ CSGT đến phân xử theo pháp luật về giao thông chứ không có việc tấn công nhau để phân định đúng sai bằng bạo lực hoặc bỏ trốn. Kết quả là CSGT đã hòa giải và hai thanh niên đã đồng ý với cách giải quyết có lý, có tình.
Có thể coi đó là những nét chấm phá về những điểm tích cực trong việc thượng tôn pháp luật. Tất nhiên đây là một vụ việc không lớn trong nhiều sự vụ mà các xung đột lợi ích được cầm cương và giải quyết trên nền tảng của sự thượng tôn luật pháp.
Thượng tôn pháp luật không phải là điều gì quá cao siêu, cũng không phải là nghĩa vụ chỉ của người dân hay quyền miễn trừ đối với quan chức. Bởi xét cho đến cùng, thượng tôn pháp luật chính là bất kể ai, bất kể chủ thể nào cũng không được đứng trên pháp luật, vi phạm pháp luật. Cái đích cuối cùng là công bằng được đảm bảo và công lý được thực thi.
Cũng chính vì vậy mà đã có những nỗ lực của cả xã hội đưa pháp luật trở về đúng với vị trí và chức năng đảm bảo công lý của nó. Đó cũng là lý do mà chánh án TAND Tối cao đã ngay lập tức có công văn đề nghị xem xét lại bản án đối với hai cậu bé cướp bánh mì, bởi rõ ràng hình phạt đó không giúp công lý được thực thi một cách thấu đáo trong xã hội.
Hay như điểm nóng xung đột lợi ích gần đây, ngoài việc xử lý những người dân được kết luận là vi phạm pháp luật thì các cấp có thẩm quyền cũng xử lý những quan chức, cán bộ đã gây nên tình trạng “tức nước vỡ bờ”. Dẫu chưa đến hồi kết khi còn nhiều tranh luận xung quanh nhưng phải thừa nhận pháp luật đã dần trở thành mực thước.
Trước những ngổn ngang của xã hội hiện nay, chưa khi nào pháp luật cần phải được thượng tôn như vậy. Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền ngày 6-11 trước Quốc hội nhận định rằng: “Người dân vi phạm nhẹ hay nặng thì đều bị pháp luật xử lý, cán bộ gây sai phạm nghiêm trọng thì điều chuyển, vẫn an toàn sau lớp vỏ nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, chịu trách nhiệm tập thể. Điều này dễ làm cho người dân hiểu rằng áp dụng luật dành cho người dân khác với cán bộ”.
Thực tế này sẽ được giải quyết khi pháp luật thực sự được thượng tôn. Bởi chỉ có thượng tôn pháp luật thì người dân mới có niềm tin. Và bất bình xã hội sẽ giảm đi khi pháp luật áp đặt một cách công bằng.
Khi đó, từ người dân cho đến quan chức, Nhà nước và doanh nghiệp… đều hiểu rằng thượng tôn pháp luật là vì mình, vì công lý, nền tảng đích thực của một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.