Sáng 16-1, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kết luận hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết, với tính chất, vị trí, tầm quan trọng của TP.HCM, những năm qua, Bộ Chính trị luôn quan tâm, có nhiều Nghị quyết về phát triển TP.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
TP.HCM cần một nghị quyết thực chất
Nghị quyết 31 đã nêu rõ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từ đó, ông Võ Văn Thưởng gợi mở một số nội dung để TP.HCM tham khảo thực hiện trong quá trình triển khai Nghị quyết.
Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị lần này nhấn mạnh việc ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho TP.HCM. Thường trực Ban Bí thư đề nghị Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ sớm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa nội dung Nghị quyết, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở, hành lang pháp lý cho sự phát triển của TP.HCM.
Trong đó, sớm ban hành văn bản của Quốc hội, của Chính phủ về thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TP.HCM; xây dựng cơ chế để cụ thể hoá thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, chọn TP.HCM làm thí điểm chủ trương này.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu kết luận. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Ông Võ Văn Thưởng nói lần này, thay vì xin cơ chế đặc thù, TP.HCM xin thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội. Điều này chứng tỏ có sự chuyển biến trong nhận thức, phù hợp với quản trị hiện đại là sự "thử nghiệm có kiểm soát". Bộ chính trị cũng đồng ý với chủ trương này.
"Mong muốn của chúng ta là kỳ này Quốc hội thông qua nghị quyết mới, đó phải là một văn bản thực chất có nội dung, hàm lượng thực chất để thực hiện chứ không phải là một văn bản mang tính tư tưởng chính trị động viên... Nếu không đi vào thực chất thì thực hiện khó lắm"- Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh và cho rằng TP.HCM muốn làm gì thì liệt kê rõ ra, UBND TP cần tích cực trong việc chọn lựa ra vấn đề để đề xuất cụ thể.
Hạ tầng TP.HCM chưa phát triển tương xứng với vị thế
Thường trực Ban Bí thư nói, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 31 phải gắn kết chặt chẽ với thực hiện Nghị quyết số 24 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM.
Ông nhấn mạnh: "Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết lần này phải tạo chuyển biến thực sự, kết quả cụ thể, trước mắt phải giải quyết tốt vấn đề ngập úng, an ninh, an toàn, trật tự đô thị... phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã đề ra, tạo bước tiến mới trong sự phát triển của TP".
Thường trực Ban Bí thư nói, trong việc tổng kết những nghị quyết vừa qua, có những hạn chế đã nhìn thấy, chỉ ra rồi, chưa kịp làm lại nảy sinh khó khăn, vướng mắc mới nên chúng ta chậm. Vì vậy, TP.HCM cần quyết tâm triển khai tạo ra bước chuyển, bước tiến thực sự trong thực hiện nghị quyết.
TP cần tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch; phát triển đô thị bền vững, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, xứng tầm với TP có quy mô dân số và kinh tế lớn nhất nước.
Ông Võ Văn Thưởng cho rằng TP.HCM là đầu tàu, có quy mô, dân số lớn nhất nước nhưng hạ tầng lại chưa đáp ứng tương xứng. Trong khi Hà Nội đã bắt đầu làm Vành đai 4, TP.HCM chỉ mới đang khởi động Vành đai 3. Vành đai 2 thì 6-7 năm qua cũng chưa xong; kết nối Quốc lộ 13 đi Bình Dương cũng chưa mở rộng được… Tuyến Bến Thành- Suối Tiên thì dời tiến độ...
Vì vậy, TP.HCM cần tập trung vào công tác quy hoạch, phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn, phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo không gian và động lực phát triển mới, ổn định, lâu dài cho TP. Trong đó, trọng tâm là lập Quy hoạch TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Các bộ, ngành, địa phương phải cùng chung tay
Theo Thường trực Ban Bí thư, TP cũng cần hoàn thiện thể chế, chính sách về đô thị đặc biệt, chính quyền đô thị; sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện và giám sát thực hiện Nghị quyết 31...
Thành ủy TP.HCM cần chỉ đạo chính quyền TP chủ động nghiên cứu, xây dựng, đề xuất, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ các văn bản chính sách, pháp luật vượt trội, phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ TP.
"TP cũng cần mạnh dạn thực hiện phân cấp, phân quyền cho các đơn vị thuộc mình"- ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Thường trực Ban Bí thư cho rằng, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 31 không chỉ của riêng TP.HCM, mà còn là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước...
Ông ví von "TP.HCM như là lao động chính, có trách nhiệm đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế chung"; nhưng các nơi cũng cần tích cực, cùng bắt tay thực hiện tăng cường liên kết, hợp tác, chung tay xây dựng TP.HCM.
"Nhất là các bộ, ngành Trung ương phải cùng ngồi thảo luận với TP, cái nào được, cái nào không, sắp tới làm gì thì phải cùng nghiên cứu. Nhiều khi nói chung chung rằng thực hiện vấn đề này không phù hợp pháp luật, nghiên cứu thực hiện theo quy định pháp luật thì rất mất thời gian, lâu lắm mới thực hiện được"- ông nói và nhấn mạnh, đúng là phải thực hiện theo quy định nhưng khi địa phương vướng mới xin.
Ông yêu cầu bộ, ngành cần trả lời rõ ràng, văn bản, quy định đó sửa như thế nào, bao giờ xong cũng phải nói rõ. Ở phía ngược lại, TP cũng nỗ lực cố gắng trong đề xuất tham mưu với các cơ quan trung ương quan tâm cho TP.HCM.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết Thành ủy TP sẽ hoàn thiện chương trình hành động để triển khai thực hiện Nghị quyết 31. Ông nói, TP sẽ triển khai với tinh thần việc nào thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của TP thì sẽ quyết tâm làm, việc nào vượt thẩm quyền thì chủ động đề xuất, phối hợp và đeo bám để sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Nghị quyết 31 nêu rõ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Từ đó, ông Võ Văn Thưởng gợi mở một số nội dung để TP.HCM tham khảo thực hiện trong quá trình triển khai Nghị quyết.
Trước tiên, Thường trực Ban Bí thư cho rằng các cấp ủy, tổ chức đảng trong cả nước, nhất là Đảng bộ TP.HCM phải chủ động tiếp tục tổ chức cho cán bộ đảng viên và nhân dân nghiên cứu học tập, quán triệt sâu sắc nội dung nghị quyết.
Phấn đấu xây dựng TP xứng đáng với vị thế, vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước...
"Thành ủy TP.HCM phải chỉ đạo, sớm tổ chức sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng bộ và Nhân dân về thực hiện Nghị quyết, khơi dậy tinh thần đi đầu đổi mới, năng động, sáng tạo của TP.HCM trong xây dựng, phát triển TP hôm nay"- ông Võ Văn Thưởng nói và cho rằng đây là vấn đề quan trọng.
Theo ông, trong đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 có nêu rõ, tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu động lực dẫn dắt của TP.HCM đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm; tăng trưởng còn chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp.
"Ngày xưa nói năng động sáng tạo là nói tới TP.HCM. Nói tới đi đầu là nói tới TP.HCM nhưng nếu nhìn lại mấy năm qua thì chúng ta có chiều hướng sụt giảm rất rõ. Năng động sáng tạo không bằng các địa phương khác, kinh tế cũng không bằng. Tốc độ phát triển cũng chậm, không bằng các tỉnh khác. Mình vẫn là đầu tàu kinh tế nhưng quy mô của đầu tàu bắt đầu giảm xuống rồi"- Thường trực Ban Bí thư nói.