Thường trực Ban Bí thư: Nghị quyết phải đi vào cuộc sống thực chất

(PLO)- Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nêu rõ các cấp ủy phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, làm sao cho nghị quyết đi vào cuộc sống một cách thực chất nhất.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 4-12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Trung ương đến 16.242 điểm cầu các ban, bộ, ngành, đoàn thể, các đơn vị ở Trung ương và địa phương.

Thường trực Ban Bí thư: Nghị quyết phải đi vào cuộc sống thực chất
Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Không để xảy ra tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”

Sau khi nghe các đại biểu truyền đạt các chuyên đề nghị quyết, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nêu rõ hội nghị là bước khởi đầu để nghị quyết đi vào cuộc sống, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải tiếp tục nghiên cứu đầy đủ, toàn diện các nghị quyết. Trên cơ sở đó, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận cao trong quá trình thực hiện.

“Quá trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với một số cấp ủy, tổ chức Đảng cho thấy một số nghị quyết, chủ trương quan trọng ở mặt này, mặt khác, ở một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa nhận thức đầy đủ, chưa sâu sát, chưa quyết tâm cao. Nơi này, nơi kia, hiệu quả tổ chức thực hiện còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu” - bà Mai chỉ rõ.

Bà Trương Thị Mai yêu cầu sau hội nghị này các cấp ủy phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc để việc thực hiện nghị quyết đạt kết quả cao. Không để xảy ra tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”, phải đưa nghị quyết đi vào cuộc sống một cách thực chất nhất.

hoi-nghi-trung-uong-8-khoa-xiii-vo-van-thuong.jpeg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng quán triệt chuyên đề về Nghị quyết 43. Ảnh: VGP

Không có dân chủ thì không có đoàn kết thực sự

Trước đó, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã quán triệt chuyên đề về Nghị quyết 43 về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Chủ tịch nước nhấn mạnh nghị quyết này có cách tiếp cận đầy đủ, toàn diện, hệ thống về vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc. Nghị quyết nêu rõ bốn quan điểm, trong đó khẳng định vị trí, vai trò của đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, xác định mục tiêu chung của dân tộc để phát huy truyền thống và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo Chủ tịch nước, mỗi người có suy nghĩ khác nhau, yêu nước bằng cách riêng của mình. Tuy nhiên, điểm chung nhất để hội tụ mỗi người Việt Nam yêu nước chính là mục tiêu xây dựng một đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.

Nghị quyết 43 cũng nhấn mạnh quan điểm đoàn kết toàn dân tộc phải gắn với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Chủ tịch nước phân tích muốn đại đoàn kết phải phát huy dân chủ. Đoàn kết mà không có dân chủ là đoàn kết “xuôi chiều”. Đoàn kết mà không lắng nghe các ý kiến khác nhau là đoàn kết “một chiều”.

“Cán bộ cấp dưới mà cứ lựa theo, coi ông cấp trên nghĩ gì để nói thì nguy hiểm cho Đảng, cho đất nước. Một cán bộ vào họp tập thể nhưng lại cứ suy nghĩ vấn đề này thủ trưởng nói, mình nói thế nào cho phù hợp ý ông thì nguy hiểm. Đó là đoàn kết một chiều, đoàn kết xuôi chiều, đoàn kết trên sự bưng bít, không lắng nghe sự thật. Đoàn kết phải phát huy dân chủ, chỗ nào không có dân chủ thì không có đoàn kết thực sự” - Chủ tịch nước chỉ rõ.

hoi-nghi-trung-uong-8-khoa-xiii-pham-minh-chinh.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt Nghị quyết 42. Ảnh: VGP

Trung ương đang làm thay địa phương quá nhiều

Quán triệt Nghị quyết 42 về tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam chọn mô hình chính sách xã hội toàn dân, toàn diện, công bằng.

Về cách tiếp cận, nghị quyết này đã có sự điều chỉnh từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý và phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội.

Thủ tướng cho hay Nghị quyết 42 đã đưa ra bốn quan điểm lớn, trong đó nhấn mạnh đến đầu tư cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển; chú trọng việc đổi mới công tác quản lý nhà nước, tăng cường phân cấp, phân quyền.

hoi-nghi-trung-uong-8-khoa-xiii-1.jpeg
Các đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu Trung ương. Ảnh: VGP

Thủ tướng cho rằng nếu không phân cấp thì không thể tránh tình trạng có nhiều văn bản. “Đáng lý việc đó của xã nhưng Trung ương phải làm thì phải có văn bản. Việc của huyện Trung ương cũng làm, việc của tỉnh Trung ương cũng làm thì nhiều văn bản. Mà càng nhiều văn bản hướng dẫn thì lại càng rối” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Từ đó, Thủ tướng lưu ý cần thống nhất quan điểm là phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát đầu ra.

“Hiện nay, chúng ta đang kiểm soát đầu vào và các cơ quan Trung ương đang làm thay các cơ quan địa phương nhiều quá. Điển hình nhất là ba chương trình mục tiêu. Cần rút kinh nghiệm đổi mới công tác quản lý và tăng cường phân cấp, phân quyền” - Thủ tướng nêu rõ.

Khơi thông nguồn lực để phát triển

Quán triệt Nghị quyết 45 Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh yêu cầu đổi mới mạnh mẽ tư duy, nâng cao, thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ trí thức.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề cập đến tầm quan trọng của việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài. Trung ương yêu cầu tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực để phát triển các cơ sở giáo dục ĐH, cơ sở nghiên cứu khoa học…

Ngoài ra cần kịp thời phát hiện nhân tài trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài; có cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá trong thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, nhất là chính sách tuyển dụng, tiền lương, tạo môi trường làm việc.

Nhấn mạnh việc cần khơi thông nguồn lực để phát triển, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng nếu tập hợp được sức mạnh trí tuệ của người Việt Nam, chắc chắn sẽ làm được nhiều việc vĩ đại. “Bây giờ chúng ta vẫn còn manh mún, nhóm này, nhóm kia, lợi ích này, lợi ích kia, không liên thông với nhau rất khó” - ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói.

**********

TP.HCM xây dựng chương trình hành động, đưa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 vào cuộc sống

Phát biểu tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Trung ương Đảng khóa XIII từ đầu cầu TP.HCM, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết khâu quan trọng nhất để đưa nghị quyết vào cuộc sống là xây dựng chương trình hành động để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, phù hợp đặc điểm, điều kiện của TP.

Trên cơ sở đó, Thường trực Thành ủy TP.HCM chỉ đạo về xây dựng các chương trình hành động thực hiện các nghị quyết.

Cụ thể, Ban Thường vụ Thành ủy giao trách nhiệm cho Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM chủ trì tham mưu hai chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy TP, thực hiện nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới và chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đảng đoàn MTTQ Việt Nam TP.HCM được giao chủ trì tham mưu chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy TP thực hiện Nghị quyết 43. Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM chủ trì tham mưu chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy TP thực hiện Nghị quyết 45.

Phó Bí thư TP.HCM đề nghị các cơ quan, đơn vị được phân công tham mưu các chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM thực hiện các nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Trung ương Đảng khóa XIII, khẩn trương hoàn thiện dự thảo, trình xin ý kiến theo đúng quy trình, quy định để Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM kịp thời ban hành chương trình hành động trong tháng 12 này.

Thành ủy TP Thủ Đức và các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội của TP.HCM tiếp tục chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền các nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Trung ương Đảng khóa XIII đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên với các hình thức phù hợp cho từng đối tượng, bảo đảm nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả. THANH TUYỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm