Dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2024 vừa qua, các bệnh viện (BV) liên tục tiếp nhận nhiều ca bị thương nặng do chó cắn, thậm chí có ca tử vong sau khi phát bệnh dại.
Thương vong do chó cắn dịp Tết
Vừa qua, BV Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) cho biết nơi đây vừa tiếp nhận bé gái TTHT (bốn tuổi, ngụ Bình Thuận) bị bệnh dại vì chó cắn.
Trước đó, ngày 7-2, bệnh nhi bị một con chó nhỏ khoảng 5-6 tháng tuổi cạnh nhà cắn 8-9 nhát vào vùng mặt, trán, quanh mắt, gò má trái.
Do chủ quan nên sau khi bị chó cắn, người nhà bệnh nhi đã không xử lý vết thương tại chỗ và tiêm phòng dại. Sau đó, người nhà đưa bé đi điều trị bệnh dại bằng phương pháp của người dân tộc thiểu số gần đó.
Đến ngày 13-2, bé có biểu hiện lừ đừ, buồn nôn và nôn. Ngày 14-2, bé có triệu chứng sợ gió, nôn ói, sốt nhẹ nên được đưa đi khám tại BV địa phương và được chẩn đoán mắc bệnh dại.
Trưa 14-2, bé được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) và cũng được chẩn đoán mắc bệnh dại trong tình trạng nặng. Sau khi tư vấn, BV đã cho bệnh nhi về trong đêm. Sau khi về nhà, lúc 11 giờ ngày 15-2, bé có biểu hiện sợ gió, nôn ói, sốt nhẹ và tử vong lúc chiều tối.
Ngày 18-2, BV Nhi Trung ương (Hà Nội) thông tin nhiều trẻ em được gia đình đưa đến BV trong tình trạng đa vết thương toàn thân do chó cắn rất thương tâm.
Có 3.652 lượt tiêm ngừa bệnh dại tại BV Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) do chó, động vật có vú cắn và mèo cào trong dịp Tết Nguyên đán 2024 (từ ngày 2 đến 16-2).
Điển hình là trường hợp của bé trai bảy tuổi (ngụ Bắc Giang). Khi đang đi chúc Tết, bé trai bất ngờ bị chó cắn tới tấp vào vùng lưng, bụng, đùi đến mức bị thủng ruột.
Tại BV Nhi Trung ương, bệnh nhi được cấp cứu, phẫu thuật cắt bỏ một đoạn ruột, sau đó được tiêm huyết thanh và vaccine phòng dại.
Trước đó ngày 16-2, Sở Y tế tỉnh Phú Yên cũng cho biết trên địa bàn vừa có một trường hợp tử vong do bị bệnh dại. Nạn nhân là ông NVĐ (60 tuổi, ngụ Phú Yên).
Theo người nhà, khoảng 10 ngày trước, ông Đ bị một con chó lạ chạy vào nhà rồi cắn vào bàn tay trái, gây chảy máu. Tuy nhiên, bệnh nhân không đi tiêm vaccine phòng dại.
Chiều 7-2, khi ông Đ có triệu chứng sợ nước, sợ gió, người nhà mới đưa đi cấp cứu tại BV tỉnh Phú Yên. Đến rạng sáng 8-2, bệnh nhân tử vong với chẩn đoán mắc bệnh dại.
Nguy cơ khi chữa theo phương pháp dân gian
BS CKII Trần Thị Vân Anh, Trưởng khoa Nội nhiễm BV Thống Nhất, cho biết các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người thường là sợ ánh sáng, sợ nước, sợ gió, dễ giật mình, hoảng loạn khi có tiếng động (nhạy cảm dây thần kinh), co giật, liệt và dẫn đến tử vong.
Thời gian ủ bệnh dại ở người có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài trên một năm hoặc hai năm, tùy vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn.
“Bệnh nhân nên theo dõi con chó cắn mình. Không nên đánh chết con chó vì sẽ không theo dõi được tình trạng phát bệnh dại của nó. Nên tìm hiểu tiền sử tiêm ngừa của chó cắn mình, nếu chó không được tiêm ngừa thì nên nhốt lại, theo dõi trong vòng 10 ngày. Sau đó nếu chó có biểu hiện dại thì nên đi tiêm ngừa càng sớm càng tốt” - BS Vân Anh khuyến cáo.
BS Vân Anh cho biết thêm có nhiều trường hợp khi bị chó cắn lại xử trí vết thương theo phương pháp dân gian là đắp lá mà không theo dõi con chó hay tiêm ngừa. Khi đắp lá vào vết thương sẽ gây nguy cơ nhiễm trùng vết thương, nếu rách da vùng rộng thì nguy cơ nhiễm trùng càng cao, ngoài ra còn có nguy cơ uốn ván.
Theo BS Vân Anh, nên rửa vết thương chó cắn bằng xà phòng dưới vòi nước, không nặn vết thương vì dễ làm độc tố đi vào thêm. Tùy theo tình hình vết thương, nếu vết thương nông, nhẹ thì chờ theo dõi, nếu vết thương nặng nên đi tiêm ngừa ngay.
“Khi bị chó cắn nên đến ngay trung tâm y tế dự phòng để bác sĩ đánh giá tình hình, tư vấn cách xử trí phù hợp với từng tình trạng. Bác sĩ sẽ đánh giá cùng lúc tình hình của vết thương và tình hình của con chó cắn mình để đưa ra hướng xử trí phù hợp” - BS Vân Anh chia sẻ.
Tỉ lệ tử vong gần như 100% khi đã lên cơn dại
Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu qua vết chó cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Ngoài ra, virus dại còn có thể lây truyền từ người sang người qua cấy ghép mô, phủ tạng, vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của người bị dại.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn, phải điều trị dự phòng bằng vaccine dại, có khoảng 60.000-70.000 người bị chết do bệnh dại.
Bệnh dại chủ yếu lưu hành ở các nước nhiệt đới, khá phổ biến ở khu vực châu Á và châu Phi.
Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó, mèo. Khi đã lên cơn dại, tỉ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine và huyết thanh kháng dại.