Thủy điện Tây Nguyên và hệ lụy - Bài 1: Phá rừng làm thủy điện

LTS: Việc xây dựng thủy điện tràn lan ở Tây Nguyên đang tiềm ẩn những hệ lụy nghiêm trọng cho môi trường và con người.Pháp Luật TP.HCMphác thảo thực trạng thủy điện Tây Nguyên và những góc nhìn của các nhà khoa học, nhà quản lý.

Theo báo cáo mới đây của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tính đến tháng 7-2011, khu vực Tây Nguyên có 34 dự án thủy điện lớn và vừa, 88 thủy điện nhỏ đã hoàn thành hoặc đang xây dựng (tổng công suất 4.523 MW) và hàng chục dự án đang nghiên cứu đầu tư.

Ồ ạt làm thủy điện

Hiện tại, chỉ trên hai lưu vực sông chính Sêrêpôk và Sê San đã có 17 thủy điện xếp theo bậc thang. Sông Sêrêpôk có 11 thủy điện lớn, sông Sê San có sáu thủy điện lớn đang hoạt động, xây dựng. Hiện còn hơn 200 dự án đang tiếp tục triển khai, nghiên cứu đầu tư thì mật độ đập ngăn dòng sẽ càng dày đặc.

Theo quy hoạch bậc thang thủy điện được Bộ Công Thương phê duyệt, chỉ tính riêng các sông Đa Nhim, Đồng Nai, Sêrêpôk và sông nhánh Krông Nô, trên địa bàn Lâm Đồng có 11 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy 1.674 MW. Hiện năm thủy điện ở Lâm Đồng đã hòa lưới điện, có đến 46 dự án còn lại đang trong quá trình thi công và nghiên cứu đầu tư…

Tỉnh Gia Lai có 29 dự án đã hoàn thành, 15 dự án đang khởi công, 15 dự án đang triển khai chậm. Tỉnh Kon Tum hiện có năm dự án đã hòa lưới điện quốc gia, 16 dự án thủy điện đang triển khai xây dựng, 27 dự án đang khảo sát, lập dự án đầu tư. Tỉnh Đắk Lắk hiện có sáu dự án hòa lưới điện, 23 dự án đang xây dựng và nghiên cứu đầu tư (ngoài ra còn có 79 vị trí tiềm năng cho dự án thủy điện). Tỉnh Đăk Nông có sáu dự án đã hoàn thành, 27 dự án đang xây dựng và nghiên cứu đầu tư.

Thủy điện trên lưu vực sông Sê San, Sêrêpôk. Chấm đỏ: Vị trí các dự án thủy điện. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

TS Vũ Ngọc Long, Viện phó Viện Sinh học Nhiệt đới, lo ngại: “Với mật độ thủy điện bậc thang nhiều như hiện nay tại Tây Nguyên, nếu xảy ra vỡ một đập khi lũ lớn thì sẽ tạo hiệu ứng vỡ đập hàng loạt, nguy hiểm vô cùng. Những hồ chứa sẽ tạo nên những cơn lũ khổng lồ tràn xuống hạ lưu. Vào mùa khô, các thủy điện tranh nhau đóng đập tích nước dẫn đến cạn kiệt nguồn nước. Đây là điều không công bằng với người dân và môi trường. Bởi việc phát triển điện đã không đi cùng với đảm bảo sinh kế của người dân và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và các lưu vực sông”.

Để bù vào diện tích rừng bị phá để xây dựng công trình thủy điện, các chủ đầu tư có cam kết trồng rừng mới thay thế. Tuy nhiên, theo báo cáo rà soát các thủy điện miền Trung - Tây Nguyên của Bộ Công Thương trình Thủ tướng vào tháng 3-2010, việc cam kết trồng mới thay thế diện tích rừng bị xâm hại tại hầu hết các dự án gặp khó khăn, chủ yếu do địa phương không còn quỹ đất.

“Giết” sông Sêrêpôk

Tại Đắk Lắk, Nhà máy thủy điện Sêrêpôk 4A lấy nước xả trực tiếp từ kênh xả của Nhà máy thủy điện Sêrêpôk 4, nơi dòng Sêrêpôk chảy qua Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn. Sau đó, nước sẽ theo kênh dẫn dài 13 km tới nơi đặt nhà máy phát điện. Lượng nước từ thủy điện Sêrêpôk 4 xả trực tiếp xuống sông Sêrêpôk chỉ còn lại 8,23 m³/giây, trong khi dòng chảy tự nhiên của sông là 220 m³/giây (tức là chỉ bằng gần 4% so với dòng chảy tự nhiên). Điều này khiến cả một đoạn sông Sêrêpôk dài khoảng 20 km vào mùa khô sẽ cạn nước, tác động nghiêm trọng đến rừng quốc gia. Dù Cục Kiểm lâm đã có công văn đề nghị tỉnh này không nên xây dựng Nhà máy thủy điện Sêrêpôk 4A theo phương án trên; đồng thời phải điều chỉnh vị trí, quy mô và phạm vi nhà máy trên sông Sêrêpôk và chỉ đạo chủ đầu tư phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nhưng sau đó dự án này vẫn triển khai.

Rừng quốc gia, khu bảo tồn bị đe dọa

Thủy điện đã và đang lăm le tấn công vào rừng quốc gia, rừng phòng hộ, khu bảo tồn. Mới đây, ngày 10-11, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về việc chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (Kon Tum) để thực hiện các dự án thủy điện Đăk Mi 1 và Đăk Mi 1A.

Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum đề nghị chuyển mục đích sử dụng 64 ha rừng phục vụ dự án thủy điện Đăk Mi 1 và Đăk Mi, thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh. Các nhà khoa học cho rằng điều này phải được xem xét cẩn trọng vì ảnh hưởng đến các loài thú quý và hệ thực vật tại đây.

Tương tự, có hai dự án thủy điện đang lăm le “tấn công” vào rừng quốc gia Cư Yang Sin và chặn dòng sông Krông Nô là dự án thủy điện Krông Nô 2 và dự án thủy điện Ea KTour. Từ tháng 5-2008, Bộ Công Thương phê duyệt dự án thủy điện Krông Nô 2 công suất là 18 MW, sau đó chủ đầu tư điều chỉnh thành 30 MW. Theo đó, diện tích chiếm đất vĩnh viễn của dự án này hơn 278 ha, trong đó đến 165 ha rừng phòng hộ của cả hai VQG là Cư Yang Sin (Đắk Lắk) và Bidoup - Núi Bà (Lâm Đồng).

Ông Tống Ngọc Chung, Giám đốc VQG Cư Yang Sin, cho biết: “Khi nhận được thông tin có dự án thủy điện cắt VQG, chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần không nên xây dựng vì tác động rất lớn đến rừng và các loài động vật đang được bảo tồn. Tuy nhiên, hiện tại tôi cũng không biết dự án có dừng lại không. Hiện tại dự án này vẫn đang được xem xét”.

Trước đó, trong đợt kiểm tra rà soát thủy điện khu vực miền Trung - Tây Nguyên vào tháng 3- 2010, Bộ Công Thương đã đề nghị xem xét dự án thủy điện Krông Nô 2, Ea KTour để điều chỉnh quy hoạch. Một dự án khác là Ea Puich 1 (7,3 MW) ảnh hưởng đến Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (Đắk Lắk) cũng được xem xét điều chỉnh.

Hiểm họa khôn lường

Các nhà đầu tư đều nói thủy điện có vai trò điều tiết, ngăn lũ. Nhưng thực tế, các thủy điện chỉ chú trọng đến tính lợi ích, hiệu quả phát điện. Còn việc phòng ngừa lũ thì không chú trọng.

Các thủy điện ngăn dòng, tạo hồ giữ nước - tài nguyên quốc gia, là tài nguyên thì phải được chia sẻ bình đẳng. Vào mùa khô các hồ thủy điện giữ nước lại cho riêng mình, mùa lũ thì xả ồ ạt mà không có quy trình nghiêm ngặt, phối hợp đồng bộ. Chỉ thông báo trước 2 giờ làm sao dân trở tay kịp.

Hiện chưa có đầu mối nào điều phối quy trình xả lũ vận hành hồ thủy điện một cách nghiêm ngặt. Đây là một nguy cơ rất lớn khi đã chú trọng phát triển điện nhưng các yêu cầu về an toàn chưa được cấp thẩm quyền đặt ra nghiêm túc.

TS LÊ ANH TUẤN, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu - ĐH Cần Thơ

Loại bỏ 40 dự án thủy điện

Do chậm tiến độ triển khai nên cuối tháng 9-2011, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi 11 dự án.

Tỉnh Kon Tum cũng đã thu hồi 12 dự án do chậm triển khai và tác động nhiều đến môi trường. Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh Đăk Nông cũng đã quyết định loại 17 dự án thủy điện vừa và nhỏ nằm trong chương trình quy hoạch phát triển hệ thống thủy điện của tỉnh do tác động đến rừng và môi trường.

Thủy điện “ăn” rừng

- Theo Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, trung bình để sản xuất 1 MW điện khi xây dựng thủy điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum thì có 7,24 ha rừng bị ảnh hưởng.

- Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng cho biết với 20 thủy điện đã và đang xây dựng, đã có hơn 16.000 ha rừng tự nhiên bị mất.

NGUYỄN ĐỨC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới