Thuyền buồm Việt tắc đường ra biển lớn

Sau khi báo Pháp Luật TP.HCM đăng bài “Ông trùm thuyền buồm Úc: Rất tiếc cho du lịch biển Việt Nam (VN)”, Thủ tướng giao Bộ VH-TT&DL nghiên cứu, xử lý các vấn đề vướng mắc nhằm mở đường cho du lịch, thể thao thuyền buồm phát triển.

Trước ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, giới thiết kế, nhà sản xuất và dân chơi thuyền buồm hy vọng tới đây những nút thắt sẽ được tháo gỡ để thuyền buồm VN có thể “ra biển lớn”.

Có thể thu hàng tỉ USD từ thuyền buồm

Ông Đỗ Thái Bình, Phó Chủ tịch Hội Khoa học công nghiệp tàu thủy VN, nói tổ tiên ta từng căng buồm ra Hoàng Sa, vậy mà hậu bối hôm nay lại chưa được sản xuất và chơi thuyền buồm đúng nghĩa. Nguyên nhân là do hiện chưa có hành lang pháp lý dành cho thuyền buồm hoạt động. Ví dụ, chưa có quy định rõ ràng thế nào là đóng thuyền buồm hay vướng mắc về quy hoạch, đăng kiểm, du lịch bằng thuyền buồm… Đó là chưa kể tài liệu liên quan ngành thuyền buồm chủ yếu dịch và copy từ Nga nên một số quy định không phù hợp điều kiện hiện tại của nước ta.

“Từ nhiều năm nay chúng tôi đã thiết lập các kênh để cùng Cục Đăng kiểm VN tìm cách tháo gỡ những vướng mắc trên, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Thế nên nhiều người mua thuyền buồm về không được căng lên chạy vì còn vướng thủ tục đăng kiểm. Ngoài ra, nhiều người đã mua thuyền về cũng không có bến đỗ. Bởi vậy, không chỉ giới chơi thuyền buồm mà những người thiết kế, đóng thuyền buồm cũng kỳ vọng sau chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành sẽ vào cuộc tháo gỡ những nút thắt để ngành này phát triển” - ông Bình chia sẻ.

Tương tự, ông Victo Luu (Việt kiều Mỹ) cho hay nhiều năm trước, khi về VN, ông muốn chơi thuyền buồm nhưng không biết mua ở đâu nên tự thiết kế và đóng loại thuyền này. Thuyền đóng xong, khi mang đi đăng kiểm thì không được. Lý do mà cơ quan chức năng đưa ra là buồm chỉ làm trang trí, không được phép căng buồn khi thuyền đang chạy.

“VN có bờ biển dài và đẹp mà chưa khai thác ngành thuyền buồm thì tiếc quá. Bởi khi những người chơi thuyền buồm thế giới không vào VN để nghỉ ngơi, tiếp nhiên liệu, tiếp thực phẩm… thì họ sẽ chạy qua Thái Lan, Singapore. Như vậy, VN chẳng thu được gì, rất lãng phí” - ông Victo Luu nói.

Ông cho rằng nếu ngành này được mở cửa, những ngư dân đánh bắt gần bờ có thể tham gia để làm du lịch, có thu nhập tốt hơn và bảo vệ được nguồn thủy sản ven bờ.

Thị trường thuyền buồm tạo ra hàng tỉ USD nhưng Việt Nam là quốc gia biển lại chưa có nguồn thu từ ngành này. Ảnh: P.ĐIỀN

Gỡ vướng để thuyền buồm ra khơi

Ông Richard Ward, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Corsair Marine International - chủ nhân hai hãng thuyền buồm danh tiếng Seawind và Corsair Marine, cho biết: Gần 10 năm nay công ty đã cắm chốt tại VN và xuất khẩu thuyền buồm ra nhiều nước trên thế giới. Đáng tiếc VN là quốc gia biển mà lại chưa được chơi thuyền buồm đúng nghĩa.

Ông nói: “Thị trường sản xuất thuyền buồm vẫn còn rất lớn với doanh thu hàng tỉ USD mỗi năm. Các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Indonesia… đã mở cửa, có hành lang tốt cho sản xuất, kinh doanh lẫn giới chơi thuyền buồm và họ đã có nguồn thu lớn từ lĩnh vực này. Đặc biệt, đảo Fiji có nguồn thu khoảng 300 triệu USD từ các dịch vụ thuyền buồm như cung cấp thực phẩm, bến đỗ, xăng dầu…”.

VN có nhiều lợi thế để phát triển ngành này như mặt nước, biển, đảo đẹp, nguồn nhân lực trẻ, ham học hỏi. Đây là lợi thế để VN phát triển những trung tâm thuyền buồm dành cho cộng đồng và điểm tập kết của giới chơi thuyền buồm thế giới. “Tuy nhiên, hiện tại VN vẫn còn nhiều vướng mắc khiến buồm xem như vật trang trí trên con thuyền nên chưa sử dụng rộng rãi để cộng đồng làm du lịch, cho thuê bến bãi, cung cấp thực phẩm…” - ông Richard Ward nêu thực tế.

Hiện nay VN chưa có quy định rõ ràng về ngành đóng thuyền buồm nên các doanh nghiệp rất khó mở mang các hoạt động về thuyền buồm. Nghịch lý còn ở chỗ tại VN, buồm chỉ được phép căng lên khi đứng tại chỗ, còn căng lên để chạy thì chưa được phép. Trong khi các nước họ sử dụng thuyền buồm để chu du khắp thế giới thì tại VN, buồm chỉ để… trang trí!

Ông RICHARD WARD 

Với tâm nguyện muốn xây dựng một trung tâm thuyền buồm tại VN, vị chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Corsair Marine International kiến nghị cần xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, thủ tục bớt rườm rà để người nước ngoài đầu tư và mang thuyền đến VN chơi. “Nếu được tạo điều kiện thuận lợi, tôi cam kết sẽ đầu tư cơ sở vật chất và huấn luyện, đào tạo thuyền buồm tại Bà Rịa-Vũng Tàu đủ tầm” - ông Richard Ward nhấn mạnh.

Tương tự, luật sư Nguyễn Trung Nghĩa, một người chơi thuyền buồm, chia sẻ từ nhỏ ông đã đam mê và tự học thiết thuyền buồm. Ông cũng từng tham gia góp vốn đầu tư một câu lạc bộ thuyền buồm tại Bà Rịa-Vũng Tàu nhưng sau đó chết yểu do hành lang dành cho loại hình này chưa đầy đủ.

“Nhà nước cần nhìn vào thực tế và những lợi ích mang lại từ ngành này để quyết liệt tạo cơ chế hợp lý cho nó phát biển” - ông Nghĩa gợi ý. Ông và cho rằng VN cũng nên mở ra các cuộc chơi, cuộc thi thuyền buồm thay vì chỉ ngồi nhìn các nước khai thác. Ngoài ra, nên mở trường lớp đào tạo về ngành này để có lợi thế cạnh tranh với các nước.

Sẽ nghiên cứu, tháo gỡ vướng mắc

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho hay ông đang cho kiểm tra lại vụ việc để có hướng xử lý, tháo gỡ phù hợp.

Trong khi đó, ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng tàu sông thuộc Cục Đăng kiểm VN, cho hay: Hiện đã có quy phạm dành cho phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước. Trong đó quy định phương tiện chở dưới năm người trở xuống được xem là giải trí. Theo đó, khi có phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước và có vùng hoạt động vui chơi sẽ được đăng kiểm, cấp phép bình thường. Tuy nhiên, với các loại tàu, thuyền thương mại như thuyền buồm thể thao, du lịch thì cần tính toán để có những quy định khác điều chỉnh.

Thu hút cộng đồng phát triển du lịch biển

Ông Châu Hưng, dân chơi thuyền buồm tại TP.HCM, chia sẻ ông mê thuyền buồm nhưng VN lại chưa có câu lạc bộ để tham gia nên đành tham gia vào một số câu lạc bộ chơi thuyền buồm ở khu vực Đông Nan Á.

“Vì mê thuyền, yêu biển nên tôi đã đầu tư năm chiếc thuyền buồm loại nhỏ và đang xin giấy phép làm bến đỗ tại quận 9, TP.HCM. Sắp tới, ai có nhu cầu chơi bộ môn này, tôi sẽ cung cấp thuyền chơi miễn phí. Tôi kiến nghị Chính phủ cần tháo gỡ khó khăn để người dân dễ chơi và không chỉ dân nhà giàu mà cộng đồng cũng có thể tham gia phát triển du lịch biển” - ông Châu Hưng nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm