Ngày 2-11, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 24.099 VND/USD, tăng 10 đồng so với phiên trước.
Tỉ giá mua giao ngay được Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD, trong khi giá bán ra được niêm yết ở mức 25.253 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỉ giá.
Trong khi đó, giá đồng bạc xanh tại nhiều ngân hàng được điều chỉnh giảm với biên độ phổ biến từ 10-20 đồng so với phiên trước.
Đơn cử, Vietcombank giảm 10 đồng mỗi USD ở cả hai chiều, neo giá mua – bán hiện ở mức 24.370 – 24.740 VND/USD.
Eximbank công bố giá mua bán đồng bạc xanh ở mức 24.340 - 24.730 VND/USD, thấp hơn 20 đồng so với cuối phiên hôm trước.
Như vậy, tỉ giá USD/VND vẫn duy trì ở mức cao dù nhà điều hành liên tục hút bớt tiền thừa trên thị trường mở.
Trước đó ngày 21-9, NHNN khởi động lại kênh phát hành tín phiếu kỳ hạn 28 ngày. Điều này nhằm mục đích kéo lãi suất ngắn hạn bằng tiền VND trên thị trường liên ngân hàng đi lên. Đến nay, chênh lệch lãi suất VND-USD kỳ hạn qua đêm đã rút ngắn từ mức trên 5%/năm xuống còn 3,88%/năm.
Cụ thể, trong phiên giao dịch đêm qua, 1-11, số dư tín phiếu trên thị trường ở mức cao 206.099 tỉ đồng, lãi suất liên ngân hàng của VND đã tăng lên 1,17%/năm (kỳ hạn qua đêm) và lãi suất USD giao dịch tại mức 5,05%/năm (qua đêm).
Mặc dù chênh lệch lãi suất VND – USD trên thị trường liên ngân hàng đã giảm nhưng tỉ giá USD/VND vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bằng chứng là giá USD tại các ngân hàng thương mại hiện đã cao hơn 4,3% so với đầu năm.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong trường hợp công cụ điều tiết thanh khoản thông qua kênh phát hành tín phiếu không phát huy tác dụng, tỉ giá vẫn tiếp tục căng thẳng, chênh lệch lãi suất VND – USD vẫn ở mức cao, nhiều khả năng NHNN sẽ phải xem xét sử dụng phương án bán USD kỳ hạn 3-6 tháng và cho phép các ngân hàng hủy ngang.