“Tiền trảm hậu tấu” nhìn từ góc độ quản trị quốc gia

Có lẽ khởi thủy của “tiềm trảm hậu tấu” là việc tướng ngoài biên ải, được vua ban cho quyền “chém trước tấu sau”, nghĩa là cũng phải đáp ứng đủ ba điều kiện: được phép “trảm”, trong hoàn cảnh không bình thường và phải “tấu”. Cái “tiền trảm hậu tấu”  ngày nay còn lâu mới giống khởi thủy vừa nói.

Quản trị quốc gia trong thế giới văn minh hiện đại, không thể chấp nhận “tiền trảm hậu tấu” biến tướng bừa bãi hoặc tệ hơn có “trảm” mà không chịu “tấu”, nghĩa là ém nhẹm việc trảm, mãi là mờ ám nếu không bị phát hiện.

Hiến pháp đã quy định về nguyên tắc, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (các điều 11, 12, 13 và 14) đã quy định khá rõ ràng việc phân quyền, phân cấp và cả việc ủy quyền. Các luật chuyên ngành đã cụ thể hóa việc phân quyền, phân cấp.

Do đó không thể lấy bất kỳ lý do nào kể cả các lý do chính đáng như sức ép phải thu hút cạnh tranh, sức ì của bộ máy… để chấp  nhận “tiền trảm hậu tấu” như là một giải pháp tình thế trong nền quản trị quốc gia hiện đại được. Bởi vì:

Thứ nhất, nếu ra các quyết định khi không có đủ thẩm quyền thì ngay các quyết định đó đã bị vô hiệu từ đầu, mọi cố gắng sau này để “hợp pháp hóa” hành vi này đều gượng gạo và méo mó.

Thứ hai, rủi ro rất cao không chỉ cho chính quyền (và cả quốc gia) vì phải đối mặt với mất uy tín, bị kiện tụng… mà còn cả cho các nhà đầu tư.

Thứ ba, tính minh bạch, liêm chính của chính quyền bị đặt một dấu hỏi lớn trong cộng đồng doanh nghiệp, người dân và ngay cả trong hệ thống chính quyền.

cuối cùng, tính pháp quyền của Nhà nước bị thách thức bởi nguyên tắc “chính quyền, cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép” đã không được tuân thủ.

Phải nhanh chóng dẹp bỏ hiện tượng “tiền trảm hậu tấu” bằng sự kiên quyết của Chính phủ, bằng việc nâng cao tính chuyên nghiệp của cả hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm lấp nhanh các khoảng trống về thẩm quyền; ủy quyền nhiều hơn và chặt chẽ hơn cho địa phương.

Khi việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền được minh định rõ ràng trong các văn bản pháp luật, chính quyền địa phương sẽ có đủ không gian để điều hành, quản lý mà không cần phải bẩm báo, xin xỏ quá nhiều.

Xa hơn, phải xây dựng được cơ chế “trảm mà không cần tấu”, nghĩa là việc trảm đã được minh định trong các quy định về phân quyền, phân cấp. "Trảm” phải được thực hiện minh bạch, hiệu quả, công khai.

Và đến lượt mình, các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, các lực lượng khác của xã hội có chức năng giám sát, phản biện... sẽ thực hiện nốt công việc này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm