Tiếp tục đề xuất thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM

(PLO)- Theo Công ty CP Công nghệ Tiên Phong, nếu muốn triển khai dự án thì cần cập nhật lại các nghiên cứu trước đó để phù hợp với tình hình thực tế giao thông tại TP.HCM hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP về đề xuất thực hiện lập dự án thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm TP, trong đó phân tích rõ hai phương án đầu tư công và đối tác công tư (PPP). “Việc nghiên cứu triển khai dự án thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm TP là rất cần thiết” - văn bản của Sở GTVT TP do ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP, ký gửi UBND TP nêu rõ.

Đầu tư công hay PPP?

Cụ thể, Sở GTVT TP cho biết có hai phương thức đầu tư được bàn bạc trong thời gian qua. Thứ nhất là đầu tư công, thứ hai là PPP.

Về đầu tư công, Sở GTVT TP cho biết ngày 14-6-2019, Hội đồng tư vấn về giao thông đô thị của TP đã tổ chức kỳ họp lần thứ hai để lấy ý kiến đối với đề xuất dự án “thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm TP để hạn chế ùn tắc giao thông”.

Các thành viên dự họp cơ bản thống nhất đề xuất triển khai thực hiện dự án nêu trên theo hình thức đầu tư công. Tức là giao một đơn vị của TP làm chủ đầu tư, quản lý theo quy định, sau khi thực hiện xong dự án sẽ tổ chức đấu thầu thuê đơn vị vận hành, khai thác và nguồn thu sẽ nộp về ngân sách TP.

Ô tô nối đuôi nhau ở ngã tư Hàng Xanh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ô tô nối đuôi nhau ở ngã tư Hàng Xanh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Điều này nhằm tránh dư luận phản đối tiêu cực và vận dụng phù hợp kinh nghiệm quốc tế đã triển khai ở một số nước như Singapore, Thụy Điển, Anh (việc thu phí do cơ quan nhà nước thực hiện và chỉ thuê doanh nghiệp vận hành hệ thống).

Ngày 29-10-2019, Sở KH&ĐT TP có công văn báo cáo UBND TP, theo đó đề nghị Sở GTVT làm việc với Công ty CP Công nghệ Tiên Phong. Trên cơ sở kết quả làm việc, báo cáo UBND TP việc sử dụng nguồn vốn sự nghiệp để thuê đơn vị tư vấn khảo sát, đánh giá tổng thể đề án, đề xuất UBND TP thực hiện dự án bằng nguồn vốn ngân sách TP. Hiện UBND TP chưa có ý kiến chỉ đạo theo nội dung báo cáo của Sở KH&ĐT tại công văn nêu trên.

Về phương thức PPP, Sở GTVT TP cho biết ngày 6-10-2021, sở nhận được công văn của Công ty CP Công nghệ Tiên Phong đề xuất thực hiện lập đề xuất dự án theo phương thức PPP.

Ngày 21-6, Sở KH&ĐT có ý kiến gửi Sở GTVT về việc đề xuất dự án, theo đó Sở KH&ĐT đề nghị Sở GTVT TP căn cứ quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư theo phương thức PPP, tham khảo ý kiến của các bộ, ngành liên quan để xem xét, cân nhắc việc đề xuất áp dụng phương thức PPP.

Với sự cần thiết, cơ sở pháp lý, chủ trương của Chính phủ và văn bản đề xuất của Công ty CP Công nghệ Tiên Phong, Sở GTVT TP kiến nghị UBND TP giao Sở KH&ĐT nghiên cứu quy định của pháp luật liên quan, chủ động làm việc với nhà đầu tư. Sau đó, báo cáo và tham mưu UBND TP văn bản trả lời đề xuất của nhà đầu tư; tham mưu hình thức đầu tư hệ thống thu phí phù hợp với quy định hiện hành về đầu tư.

Cần cập nhật lại nghiên cứu dự án

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lâm Thiếu Quân, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Tiên Phong, cho biết dự án này đã được công ty ấp ủ nghiên cứu gần 15 năm nay.

“HĐND TP cũng thông qua nghị quyết về vấn đề này, UBND TP cũng cho chủ trương nghiên cứu dự án từ lâu. Tuy nhiên, đến nay muốn triển khai lại, chúng ta cần phải cập nhật nghiên cứu vì hiện nay tình hình giao thông có nhiều thay đổi, các dự án lớn như metro, nhà ga ngầm, cầu Thủ Thiêm 2… đã hình thành” - ông Quân nói.

Theo ông Quân, việc xây dựng vành đai thu phí như đề xuất trước đây cần tính toán lại cho phù hợp, còn vấn đề đầu tư theo hình thức PPP cũng không có khó khăn gì. “Đầu tư theo hình thức nào, thu như thế nào đều có phương án. Tôi nghĩ dự án này đã có từ lâu nên rất cần đẩy nhanh hơn. Ngoài thu phí, chúng tôi cũng đề xuất các giải pháp về giao thông như tăng cường giao thông công cộng phù hợp với tình hình hiện nay” - ông Quân đánh giá.

Theo TS Dương Như Hùng, ĐH Quốc gia TP.HCM, chuyên gia nghiên cứu giao thông, ở các nước trên thế giới, thu phí ô tô vào trung tâm đã được triển khai tại nhiều TP. Vì vậy, chúng ta nên áp dụng để hạn chế kẹt xe nhưng cần chính sách cho phù hợp.

“Ở Singapore, Anh cũng thu phí kiểu này nhiều, hiện đại và tự động, đó là một kinh nghiệm chúng ta cần tham khảo. Ngoài ra, chúng ta cần quan tâm đến công nghệ, app thu phí, kết nối với các nền tảng thanh toán như thế nào để tạo tiện lợi cho người dân” - ông Hùng chia sẻ thêm.

Đề xuất lập 36 cổng thu phí tự động trên vành đai khép kín

Chủ trương thu phí ô tô vào trung tâm được chính quyền TP.HCM đồng ý và giao Công ty CP Công nghệ Tiên Phong nghiên cứu từ năm 2009. Sau thời gian chuẩn bị, năm 2011, công ty hoàn tất báo cáo nghiên cứu khả thi. Doanh nghiệp đề xuất lập 36 cổng thu phí tự động trên vành đai khép kín bao quanh quận 1, quận 3 và vùng giáp ranh quận 5, quận 10.

Tại các cổng trên nhiều tuyến đường sẽ lắp các thiết bị tính phí và camera chuyên dụng nhận dạng các loại xe. Tổng mức đầu tư toàn dự án khoảng 1.200 tỉ đồng. Mức phí đề xuất đối với xe du lịch là 30.000 đồng/lượt, các loại ô tô còn lại chịu phí 50.000 đồng/lượt. Việc thu phí ở thời gian từ 6 giờ đến 20 giờ, dự kiến hoàn vốn trong hai năm.

Đến tháng 4 năm nay, Sở GTVT TP tiếp tục đề xuất cho một doanh nghiệp tự bỏ kinh phí để nghiên cứu, lập dự án thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm