Tiếp tục thảo luận để tìm tiếng nói chung với kiểm soát thuốc lá mới

(PLO)- Kỳ Hội nghị Quốc tế về Kiểm soát thuốc lá sắp tới đây sẽ là cơ hội để Việt Nam bày tỏ hiện trạng của quốc gia cũng như tìm kiếm giải pháp, khuyến nghị về vấn đề quản lý thuốc lá mới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vấn đề kiểm soát thuốc lá mới đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Hiện các bộ ngành tham mưu cho Chính phủ cũng là các cơ quan chịu trách nhiệm chính cho vấn đề này vẫn đang trong tiến trình thảo luận để tìm tiếng nói chung.

thuoc-la-1.pngPhó Vụ trưởng Vụ Xã hội của Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hồng Ngọc. (Nguồn: Vietnam+)

Do vậy, kỳ Hội nghị Quốc tế về Kiểm soát thuốc lá sắp tới đây sẽ là cơ hội để Việt Nam bày tỏ hiện trạng của quốc gia cũng như tìm kiếm giải pháp, khuyến nghị được đưa ra tại hội nghị về vấn đề quản lý thuốc lá mới.

Hội nghị Các bên lần thứ 10 (COP 10) giữa các quốc gia thành viên tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại Panama. Tinh thần của cuộc họp và các cuộc thảo luận từ chính phủ các nước sẽ hướng đến mục tiêu cùng hợp tác để tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng sống cho tất cả mọi người, trong đó có người hút thuốc.

Vai trò của các bộ ngành Việt Nam tại COP 10

Hội nghị COP là diễn đàn quốc tế có sự tham dự của đại diện chính phủ các nước trên thế giới bàn thảo các giải pháp kiểm soát thuốc lá toàn diện bao gồm một loạt các vấn đề thuế, bao bì, dán nhãn cảnh báo, kiểm soát buôn lậu, phân phối và quảng cáo…

Không nằm ngoài chiến lược chung, trong các kỳ hội nghị đã diễn ra, các Bộ, ngành của Việt Nam cũng đã tích cực thể hiện quan điểm kiểm soát thuốc lá toàn diện, bao gồm các sản phẩm thuốc lá mới.

Đã gần 10 năm kể từ Hội nghị COP6 - Hội nghị COP đầu tiên mà Bộ Y tế được Chính phủ chỉ đạo làm Trưởng đoàn. Thời điểm đó, bên cạnh Bộ Y tế, đoàn còn có sự tham gia của đại diện Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn…

Sự góp mặt toàn diện của nhiều bộ ngành nhằm xây dựng một tiếng nói thống nhất của quốc gia cũng như giúp Chính phủ có căn cứ quản lý dựa trên nguyên tắc cân bằng, hài hòa và đem lại lợi ích cho quốc gia và các chủ thể liên quan.

Cần quyết đoán hơn trong việc kiểm soát thuốc lá mới

Thuốc lá mới vốn đã xuất hiện vài thập kỷ qua và đã được chính thức quản lý, cấp phép kinh doanh tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, các sản phẩm này hiện vẫn chưa được đưa vào diện điều chỉnh của các văn bản luật liên quan, chỉ tồn tại trên thị trường “chợ đen”.

Trong bối cảnh đó, các bộ ngành tham mưu cho Chính phủ đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau đối với sản phẩm này. Đến nay, các bên liên quan đã và đang tìm kiếm tiếng nói chung để làm sao đưa ra phương thức ứng xử phù hợp, hài hòa lợi ích các bên và đáp ứng tình trạng cũng như nhu cầu cấp thiết hiện nay của xã hội.

Theo đó, nhằm tham vấn cho các bên về góc độ pháp lý, phát biểu tại Hội thảo “Tháo gỡ quan ngại để quản lý thuốc lá thế hệ mới” đầu năm 2022, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hồng Ngọc nhắc lại điều khoản mà Luật Phòng Chống tác hại của thuốc lá đã ban hành từ 10 năm trước. Đây là bộ Luật làm căn cứ để kiểm soát ngay một số loại thuốc lá mới hiện nay. Cụ thể, thuốc lá mới có 2 loại phổ biến là thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử.

Theo nhiều chuyên gia, nhà quản lý, thuốc lá làm nóng được xem là thuốc lá vì có chứa nguyên liệu thuốc lá nên không có rào cản pháp lý cho việc kiểm soát mặt hàng này

Cũng theo ông Ngọc, đến nay thuốc lá thế hệ mới vẫn chưa có biện pháp quản lý phù hợp. Vì vậy, việc tăng cường quản lý Nhà nước về thuốc lá mới là hết sức cần thiết.

thuoc-la-2.png
Nguồn: Vietnam+

Bên cạnh Vụ Xã hội, vấn đề thuốc lá mới cũng được nhiều Ủy ban khác trực thuộc Quốc hội quan tâm. Đồng tình với phát biểu của ông Ngọc, tại tọa đàm do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức một tháng sau đó, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội cho biết: "Cần khẳng định, thuốc lá điện tử là một sản phẩm mới và vì là sản phẩm mới nên chưa được định danh trong danh mục những mặt hàng cấm. Trong khi hiến pháp đã quy định rõ, người dân có quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm".

Về vấn đề pháp lý, ông Hạ cho biết: "Theo tôi, các cơ quan tham mưu của Chính phủ cần rà soát lại hệ thống pháp luật, thể chế để xem pháp luật đang quy định những gì liên quan đến thuốc lá để thực hiện cho nghiêm".

Về khoa học, ông Hạ cho biết: "Chúng ta cần một bộ thông tin chính xác về mặt khoa học với sự khẳng định về nguyên liệu, nguồn gốc, cách thức sử dụng… Và đây cũng là thuốc lá nên cần đánh giá tác động của thuốc lá điện tử đến người sử dụng trực tiếp, đến môi trường, cộng đồng, đến kinh tế xã hội… hay kinh nghiệm quốc tế ra sao? Tất cả cần được cân nhắc một cách cẩn trọng trước khi đưa ra quyết định đối với loại hàng hóa đặc thù như thuốc lá điện tử".

Mặc dù đã có nhiều chuyên gia, các bên liên quan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần sớm có khung hành lang pháp lý đối với thuốc lá mới thông qua các cuộc hội thảo giữa bộ ngành, nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa thống nhất được quan điểm. Do đó, dự kiến trong kỳ họp COP 10 sắp tới sẽ có một kết luận "mở" đối với mặt hàng này, trong bối cảnh Việt Nam còn hạn chế về mặt cơ sở dữ liệu thực tiễn, các sở cứ và nghiên cứu khoa học trong nước về tác động lên sản phẩm, hệ thống pháp lý của luật hiện hành cần được rà soát lại và tham khảo thêm về các sở cứ khoa học trên thế giới.

Trên cơ sở đó, COP 10 cũng sẽ là cơ hội để các chuyên gia quản lý Việt Nam tham khảo các khuyến nghị được công bố và các dữ liệu đời thực từ những quốc gia đi trước cũng như Việt Nam cũng có thể kêu gọi sự giúp đỡ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ban Thư ký trong việc cung cấp thêm các dữ liệu khoa học cập nhật gần nhất về kỹ thuật đối với sản phẩm này. Từ đó, Việt Nam sẽ có thêm cơ sở để làm tiền đề cho việc đưa ra quyết định phù hợp với bối cảnh của quốc gia trong việc kiểm soát thuốc lá mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm