Tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập nhờ canh tác lúa thân thiện môi trường

(PLO)- Người dân, doanh nghiệp Việt Nam đang bắt đầu quan tâm các sản phẩm canh tác theo hướng thân thiện với môi trường.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 18-10, Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội thảo tổng kết dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam”.

Dự án do Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tổ chức EarthCare Foundation triển khai từ năm 2020 tại 24 tỉnh, thành phố.

Ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, đây là một dự án ý nghĩa trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, trong đó có sinh kế nông thôn và an ninh lương thực.

Đặc biệt, trong giai đoạn mới 2021-2030, nước ta đang chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, việc tập trung phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh sẽ là những giải pháp chính sách lớn mang tính đột phá đóng góp vào sự phát triển nhanh và bền vững.

z4794258030484_1ce557f4b21fc5ee24a60512ca67d86d.jpg
Nhiều nông dân đang áp dụng đồng bộ các kỹ thuật canh tác thân thiện với môi trường.

“Sau hơn ba năm thực hiện dự án, ngoài việc góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính, dự án còn giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân, làm gia tăng giá trị trên mỗi đơn vị diện tích đất nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe cho chính những người nông dân và cộng đồng. Đồng thời cũng góp phần tái tạo nguồn tài nguyên đất, bảo vệ môi trường, từng bước xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” - ông Đoàn nhấn mạnh.

Báo cáo cụ thể về kết quả thực hiện, ông Mai Bắc Mỹ, Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Hội Nông dân Việt Nam cho biết, các tác động của dự án đã làm thay đổi nhận thức và thói quen canh tác của hội viên, nông dân vùng dự án theo hướng thân thiện với môi trường. Nhận thức này còn được lan toả tới nhiều người nông dân khác không trực tiếp tham gia vào dự án.

Theo ông Mỹ, đã có hơn 633.000 hộ nông dân với hơn 2,5 triệu nông dân tại 24 tỉnh tham gia dự án đang áp dụng ít nhất một kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường trên diện tích hơn 314.000 ha.

Số lượng nông dân áp dụng cả ba kỹ thuật canh tác lúa thân thiện môi trường (bón phân hợp lý, tưới ướt khô xen kẽ, sử dụng rơm rạ đúng cách) tăng gấp bốn lần, diện tích tăng gấp sáu lần so với trước khi thực hiện dự án.

Việc áp dụng đồng bộ các kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường giúp giảm đến 38,4% phát thải khí nhà kính so với canh tác truyền thống.

z4793665239321_536c6579ff76a59dc3430d2b392f1480.jpg
Gạo được sản xuất theo phương pháp canh tác thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, tỉ lệ nông dân đốt rơm rạ cũng giảm đáng kể ở các tỉnh tham gia dự án, có nơi tỷ lệ không đốt rơm rạ đạt đến 80%.

“100% nông dân tham gia dự án đã cắt giảm từ 20 đến 100% phân đạm hóa học, giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và nâng cao thu nhập. Cộng đồng và doanh nghiệp cũng bắt đầu quan tâm các sản phẩm canh tác lúa thân thiện với môi trường thông qua việc phối hợp, hợp tác trong hỗ trợ vật tư đầu vào bao tiêu sản phẩm đầu ra” - ông Mỹ chia sẻ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, ông Mỹ cho biết quá trình thực hiện dự án còn gặp một số khó khăn. Đó là Việt Nam chưa có tiêu chuẩn để chứng nhận sản phẩm được sản xuất theo phương pháp thân thiện với môi trường.

Do vậy, ông Mỹ đề nghị các bộ, ngành xây dựng, ban hành tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp thân thiện môi trường để giúp chứng nhận sản phẩm thân thiện với môi trường, tăng giá trị cho sản phẩm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm