Khi KOL (người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội), KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng trên thị trường) không còn xuất hiện và AI đã trở nên nhàm chán thì làm thế nào để vẫn duy trì được doanh số từ việc livestream bán hàng?
Cách đây không lâu, tôi được một doanh nghiệp thuê sáng tạo nội dung trên TikTok và một số nền tảng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, bán hàng.
Sau khi đưa một số video lên TikTok Shop và không đạt được kết quả như mong muốn, hạ bớt sự tự tôn của một người chuyên sản xuất video, tôi hỏi ý kiến một TikToker có tiếng thì nhận được lời góp ý thẳng thắn: Với xu hướng thương mại điện tử hiện nay, cần kết hợp thật nhuần nhuyễn giữa kinh doanh và giải trí.
Đây đúng là nhiệm vụ then chốt trong bối cảnh TikTok hàm chứa nhiều nội dung mang đậm tính giải trí. Vì vậy chúng ta mới có TikTok Shop - vừa mang bản sắc giải trí vừa kết hợp tính năng bán hàng. Theo dự báo của một số chuyên gia, TikTok Shop sẽ ngày càng chiếm ưu thế trước các nền tảng thương mại điện tử thuần túy kinh doanh trong thời gian tới và góp phần khiến các nền tảng này phải chuyển đổi.
Những thông tin này khiến tôi tìm đến một KOL có tiếng, nhờ lên hình, giới thiệu sản phẩm. Đúng là nhờ chất giải trí, chỉ sau vài buổi livestream, doanh thu tăng lên đáng kể. Nhưng sau khi KOL dừng hợp tác, doanh thu trở lại như trước. Những diễn biến này có lẽ phản ánh một số vấn đề chung của hoạt động livestream bán hàng, rộng hơn là thương mại điện tử hiện nay.
Thực tế, những hoạt động livestream bán hàng tại chợ Bến Thành (TP.HCM) và tại các chợ hoa ở miền Tây trong thời gian tới chỉ là bước khởi đầu trong việc kết hợp giữa hoạt động kinh doanh offline và online, kết hợp giữa thương mại và giải trí. Vẫn xuất hiện câu hỏi cũ: Vậy khi KOL, KOC không còn xuất hiện, AI (trí tuệ nhân tạo) đã trở nên nhàm chán thì làm thế nào để vẫn duy trì được doanh số?
Để giải quyết được vấn đề này, mỗi người bán hàng đều cần là nhà sáng tạo nội dung, tận dụng và tuân thủ những đặc tính, yêu cầu của nền tảng thương mại điện tử.
Muốn thế, họ phải tự tìm tòi, học hỏi, thử nghiệm với tất cả sự kiên nhẫn, đồng thời nhận được sự hỗ trợ, đào tạo của chính quyền địa phương, các ban quản lý chợ và hiệp hội. Qua đó, giúp cho nội dung vừa hấp dẫn vừa tuân thủ những quy định hiện hành, yêu cầu của nền tảng.
Trong hoạt động thương mại điện tử, remarketing (bám đuổi, chăm sóc, giới thiệu khách hàng mua những sản phẩm mới) giữ vai trò tiên quyết để duy trì và phát triển doanh số. Tạo ra nội dung hấp dẫn đã khó; thu thập và quản lý dữ liệu khách hàng như địa chỉ email, số điện thoại sao cho khoa học, đảm bảo những yêu cầu về bảo mật thông tin và dùng dữ liệu để chăm sóc khách hàng, giới thiệu sản phẩm mới cũng là thách thức.
Chưa kể người bán hàng cũng cần trở thành nhà tổ chức sự kiện với việc bài trí gian hàng trở nên bắt mắt, tạo ra những hoạt động mang tính giải trí hấp dẫn để livestream…
Bấy nhiêu vấn đề nghe thì phức tạp nhưng sẽ trở nên đơn giản hơn nếu những người bán hàng, giới thiệu sản phẩm bình thường biết mạnh dạn kết hợp giữa sáng tạo tự nhiên của cá nhân với việc tận dụng các cơ hội học hỏi nghiêm túc.