Ngày 19-1, Sở du lịch TP.HCM, Sở Văn hóa - Thể Thao - Du lịch tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng đã tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hợp tác liên kết tam giác phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh - Lâm Đồng - Bình Thuận giai đoạn 2013-2018
Ba địa phương phát triển du lịch rời rạc
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch TP.HCM cho rằng sự hợp tác ba địa phương chưa được như kỳ vọng. Điều này lãnh đạo Sở du lịch các tỉnh nên suy nghĩ lại khi sự liên kết này, chỉ ở hình thức là ngồi lại với nhau. Ba địa phương phải xác định có chung một sản phẩm, một đối tượng khách, không chỉ phục vụ khách nội địa không. Đồng nghĩa là cùng phát triển thị trường khách chung.
Cùng nhìn nhận trên, bà Tạ Thị Tú Uyên, Phó giám đốc Ban sản phẩm mua dịch vụ công ty du lịch Vietravel chia sẻ, chương trình hợp tác ba tỉnh tạo ra tam giác phát triển sản phẩm du lịch là thiết thực. Nếu kết hợp cụ thể, đi sâu hơn nữa giúp doanh nghiệp (DN) lữ hành sẽ tạo ra những sản phẩm đột phá hơn.
Theo bà Uyên, trong năm qua Vietravel đưa nhiều khách đến Bình Thuận, Lâm Đồng nhưng vấn đề khó khăn của DN gặp phải là cơ sở dich vụ, lưu trú tại Bình Thuận chưa đáp ứng được. Khi công ty mang 500-700 khách du lịch kết hợp hội họp (MICE) đến Bình Thuận dù không phải cao mùa điểm nhưng rất vất vả, chưa kể cả các cơ sở dịch vụ dành cho MICE tại Bình Thuận vẫn còn một số điểm chưa đáp ứng cho đoàn khách của công ty. Tại Lâm Đồng khá hơn một chút, nhưng trong những năm gần đây Bình Thuận vẫn còn thiếu so với nhu cầu của DN.
Trong khi đó, ông Đức Trung, Giám đốc công ty Mạo hiểm Việt- chuyên hoạt động ngoài trời cho du khách trẻ quốc tế (Lâm Đồng), liên kết hay không liên kết giữa các địa phương bản thân DN cũng phải làm nhưng nếu sự liên kết giữa các tỉnh có hiệu quả và bắt nhịp tốt nhu cầu thị trường sẽ có sự cộng hưởng tốt hơn.
“Ba tam giác này đến bây giờ tôi thấy chỉ cố gắng làm tốt trong phạm vi của mình. Còn bản thân khách hàng họ cần chương trình khép kín chất lượng thì giá trị tour cao hơn”, ông Trung nói
Ông Trung kể, ngày 18-1 công ty vừa kết thúc tour cho các em học sinh trường quốc tế. Công ty đón học sinh từ TP.HCM lên Đà Lạt chơi vài ngày rồi về Phan Thiết nghỉ ngơi nhưng con đường từ Đà Lạt về Phan Thiết chập chờn quá.
“Công ty thường có nhóm khách đi từ Đà Lạt xuống Phan Thiết bằng xe đạp, mỗi lần đi thì sợ đường nhỏ, ổ gà muốn lúc nào xuất hiện thì xuất hiện… Chúng ta hô hào phát triển du lịch nhưng để du khách tự xoay xở với thực tế đó thì cần tập trung hơn”, ông Trung nói.
Bà Nguyễn Lan Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể Thao - Du lịch tỉnh Bình Thuận thừa nhận dù đạt được kết quả trên nhưng việc liên kết giữa ba địa phương còn rời rạc, mang tính tự phát, chưa thật sự gắn kết để tạo thành chương trình du lịch mới, đặc trưng, hấp dẫn nhằm quảng bá thương hiệu Chợ Sài Gòn - Biển Mũi Né - Hoa Đà Lạt… Đặc biệt là công tác quảng bá du lịch chung của ba địa phương chưa tạo hình ảnh chung một chuyến đi ba điểm đến...
Lãnh đạo Sở du lịch TP.HCM - Bình Thuận - Lâm Đồng (từ trái qua phải) kí kết hợp tác giai đoạn 2019-2024.
TP.HCM dành ưu đãi cho DN tham gia phát triển sản phẩm chung
Theo bà Ngọc, giữa Sở du lịch ba địa phương cần có quan điểm chung về thị trường chung, kích cầu chung, gian hàng chung. Về đào tạo thì TPHCM là đầu tàu, cần hỗ trợ giúp hai địa phương nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nghiên cứu hình thành cơ sở dữ liệu chung giữa ba địa phương làm sao để các DN khi tham gia chương trình liên kết phát triển có đầy đủ thông tin về chính sách hỗ trợ… để xây dựng chiến lược cho DN mình.
Ông Trần Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Thuận cho biết, nên cần bắt tay làm ngay, ai là đầu mối đôn đốc thực hiện. Sở ngành của ba địa phương giao trách nhiệm cho ai làm xúc tiến, ai làm sản phẩm, ai phụ trách đào tạo để kết nối ba thành phố…cần có địa chỉ cụ thể. Sau đó sơ kết để biết chỗ nào chưa làm được để thay đổi thì sự liên kết mới có hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó giám đốc Sở du lịch TP.HCM cho rằng, DN đã góp ý những mặt được và chưa làm được của sự liên kết. TP.HCM tiếp thu các ý kiến để đề xuất thời gian tới tập trung vào bốn nhóm chính và đưa vào chương trình hợp tác trong giai đoạn mới để thực hiện có kết quả cụ thể.
Thứ nhất, việc phát triển sản phẩm du lịch chung mang tính quyết định cho việc hợp tác ba địa phương. Về phía TP.HCM, Sở du lịch xác định quyết tâm là phải có sản phẩm chung.
Hiện ngành du lịch thành phố đã bắt tay xây dựng sản phẩm chung bằng chương trình kích cầu thực hiện vào tháng 12/2018. Dù quá sớm chưa nói điều gì nhưng có thể chia sẻ, nếu các cơ sở dịch vụ cùng chung tay xây dựng, Sở du lịch với vai trò kết nối các DN, hiệp hội cùng đồng lòng tham gia sẽ có sản phẩm chung.
Theo bà Hoa, TP.HCM hứa sẽ quyết tâm nếu các địa phương cùng đồng lòng. Để xây dựng sản phẩm chung, trước mắt là phải có sản phẩm cơ bản. Về cách làm, sẽ cử những nhân sự cụ thể từ Sở, Hiệp hội, DN trên tinh thần tự nguyện, có danh mục công tác cụ thể.
Sở sẽ có chính sách cho DN khi tham gia vào chương trình kích cầu sản phẩm chung của ba địa phương. Tại TP.HCM trước mắt DN sẽ được tham gia miễn phí ngày hội du lịch, những sản phẩm kích cầu của DN được quảng bá miễn phí tại các sự kiện xúc tiến du lịch trong vàngoài nước.
Trong 5 năm qua, nhờ việc kí kết hợp tác phát triển tam giác du lịch ba địa phương, tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng đạt được một số kết quả. Cụ thể Bình Thuận có 239 dự án du lịch do các nhà đầu tư TP.HCM đến đầu tư chiếm 62% tổng số dự án được chấp thuận đầu tư với tổng diện tích 4.617 ha, tổng số đầu tư là gần 31.250 tỉ đồng Sản phẩm chủ lực là lưu trú, du lịch nghỉ dưỡng. Lâm Đồng thu hút 100 dự án đầu tư đến từ TP.HCM... Các dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đã được thực hiện và đã hoàn thành, thực hiện dịch vụ vận chuyển khách du lịch theo tuyến dường sắt TP.HCM - Phan Thiết, xây dựng đường hàng không TP.HCM - Lâm Đồng… Sắp tới, sân bay Phan Thiết cũng được triển khai để kết nối TP.HCM- Phan Thiết bằng hàng không.