Tinh giản biên chế: Tránh cào bằng, nơi làm không hết việc, nơi cán bộ thừa thời gian

(PLO)- Các ĐBQH cho rằng việc tinh giản biên chế một cách máy móc, chú trọng về số lượng mà không gắn với vị trí việc làm là sự lãng phí lớn về nhân lực….
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 2-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2021.

Phát biểu, ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) đánh giá cao năm 2021 các cơ quan nhà nước đã nỗ lực lớn trong thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế. Trong đó, biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%; số người hoạt động không chuyên trách thôn tổ dân phố giảm 46,64% so với năm 2015…

Tuy nhiên, ông cho hay là một số cơ quan, địa phương lại phản ánh có tình trạng cào bằng giữa các đơn vị trong tinh giản biên chế.

Có đơn vị khối lượng công việc lớn cần giữ nguyên chỉ tiêu biên chế, thậm chí phải tăng thêm người đế đáp ứng công việc thì vẫn phải cắt giảm biên chế theo tỷ lệ chung. Theo đó, ĐB Sơn đề nghị làm rõ hơn chất lượng tinh giảm biên chế có tương ứng với số lượng không?

ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang)

ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang)

“Thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý sử dụng công chức, người lao động cần phải hiểu đúng là không phải tiết kiệm về số lượng mà là sử dụng đúng người, đúng việc theo yêu cầu và vị trí việc làm. Cần trao thẩm quyền cho người đứng đầu cơ quan thực hiện công tác tinh giảm biên chế và chịu trách nhiệm về nội dung này” - ông đề nghị.

Cùng nội dung này, ĐB Đồng Ngọc Ba (Bình Đình) bày tỏ lo ngại khi báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu. Ông đề nghị Chính phủ làm cụ thể hơn, có các thông tin, số liệu, địa chỉ cụ thể của hạn chế này để có giải pháp khắc phục kịp thời.

“Nhiều cử tri và nhà chuyên môn cho rằng việc tinh giản biên chế thời gian qua phần nhiều mới chỉ thay đổi về lượng, chuyển biến về chất còn chưa đáp ứng yêu cầu” - ông nói.

Trong đó nổi cộm là tổ chức bộ máy còn chống chèo, trùng lặp về chức năng nhiệm vụ, nhiều trường hợp chưa thực hiện đúng nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm. Việc tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

ĐB Ba kiến nghị Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ ban hành nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, làm cơ sở cho việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị.

ĐBQH Đồng Ngọc Ba (Bình Định)

ĐBQH Đồng Ngọc Ba (Bình Định)

Về tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm, theo ĐB Ba, nếu tinh giản biên chế một cách cơ học, không gắn với hệ thống vị trí việc làm phù hợp thì không những không làm mạnh thêm mà còn làm suy giảm năng lực của của bộ máy.

“Dễ thấy nhất là dẫn đến có đơn vị quá tải, làm không hết việc, có nơi cán bộ, công chức lại dư thừa thời gian” - ông nói đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét kỹ vấn đề này, khẩn trương ban hành các quy định về hướng dẫn vị trí việc làm của công chức, viên chức bảo đảm hợp lý, khoa học.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm