Kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 _ 19-5-2022)

Tinh thần học tập suốt đời của Bác mãi lan tỏa

(PLO)- Ý chí học suốt đời cùng tinh thần hội nhập nhưng không hòa tan là những di sản của Bác Hồ tiếp tục lan tỏa.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau nhiều năm nghiên cứu và có những tác phẩm tâm huyết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS-TS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông, nhìn nhận: “Tinh thần học tập suốt đời của Người là tấm gương để các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo”.

Tự học suốt đời để cống hiến

. Phóng viên: Một số quốc gia trở thành cường quốc nhờ đẩy mạnh phong trào khuyến học. Với khát vọng xây dựng Việt Nam (VN) trở thành nước phát triển vào năm 2045, chúng ta cũng cần khuyến học. Ông có thể chia sẻ về tinh thần học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một di sản cần phát huy?

+ GS-TS Trình Quang Phú: Với những người đã kinh qua kháng chiến như chúng tôi, có nhiều bài học từ chuyện tiết kiệm thời gian, vật chất, cách ăn mặc giản dị và tinh thần học tập miệt mài suốt đời của Bác Hồ.

Học theo gương Bác là tự thấm trong lòng và biến thành những việc làm cụ thể hằng ngày. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Học theo gương Bác là tự thấm trong lòng và biến thành những việc làm cụ thể hằng ngày. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Lớp trẻ hiện nay sống trong cơ chế thị trường, tiếp cận nhiều thông tin trên nhiều phương tiện so với chúng tôi trước đây. Nhưng trong lòng các thế hệ người VN và đông đảo bạn bè thế giới, Bác Hồ vẫn là bậc vĩ nhân, một tấm gương cần noi theo trên nhiều phương diện.

Bác học được nhiều thứ tiếng trên thế giới vì xác định đi năm châu để lĩnh hội tinh hoa của nhân loại. Phương tiện đầu tiên phải kể đến là ngoại ngữ. Bác tự học mà sử dụng được rất nhiều thứ tiếng.

GS-TS Trình Quang Phú

GS-TS Trình Quang Phú

Dù rất bận công việc nhưng Bác vẫn dành thời gian để đọc sách, báo, nghe radio để liên tục tiếp nhận thông tin, kiến thức, mở mang trí tuệ.

. Ông có thể chia sẻ câu chuyện cụ thể về tinh thần học tập của Bác Hồ ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời ông?

+ Chẳng hạn, đến năm 21 tuổi ra đi tìm đường cứu nước, Bác chưa dừng lại ở trường nào đủ lâu để lấy bằng tốt nghiệp. Sau đó, Bác không học trường báo chí nào, vậy mà bằng khát khao học tập, cống hiến cháy bỏng, Bác đã ra báo cách mạng, vừa là chủ bút, vừa là biên tập viên, vừa là phóng viên, vừa là họa sĩ. Bác viết rất nhiều trên các báo Nga, Đức, Pháp và báo tiếng Việt. Ý chí tự học, năng lực, trình độ học vấn của Người quả thực phi thường.

Đáng nói, Bác học để cống hiến chứ không phải để giành một danh vị trong xã hội.

Đáng nói, Bác học để cống hiến chứ không phải để giành một danh vị trong xã hội.

. Ông đã có một số thành công trên con đường nghiên cứu, sáng tác, kinh doanh với những công việc khá phong phú, thậm chí đối lập nhau. Từng một số lần được gặp Bác Hồ khi còn rất trẻ, ông đã học được gì từ Người?

+ Khi ra Bắc tập kết, một lần tôi nhặt được cây bút đẹp ở trường và trả cho người đánh mất. Trường báo cáo lên Bác và Bác tặng huy hiệu. Từ đó, tôi càng đọc về Bác, học tập và làm theo một cách tự nhiên chứ không phải khẩu hiệu.

Lần đó, tôi được cùng đoàn đại biểu miền Nam ăn cơm với Bác. Khi tôi xới cơm, có một cục nhỏ bằng ngón tay rơi xuống bàn. Bác liền nhặt, bỏ vào bát cơm của mình rồi nói: “Người nông dân làm được hạt gạo phải một nắng hai sương, cực lắm!”. Câu đó theo tôi suốt đời với ý thức cần kiệm. Việc trở thành nhà báo, nhà văn của tôi cũng là cách tự học một phần từ Bác.

29

ngoại ngữ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh học và sử dụng thành thạo. GS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, khẳng định con số trên chưa kể tiếng đồng bào dân tộc VN mà Bác sử dụng.

Công dân toàn cầu giữ cốt cách Việt Nam

. Các bạn trẻ đang có xu hướng xây dựng mình thành công dân toàn cầu: Biết nhiều ngoại ngữ, học và làm việc tại nhiều nơi trên thế giới. Cách đây 100 năm, Bác Hồ đã là công dân toàn cầu, là người của mọi phương trời nhưng vẫn giữ cốt cách VN. Giới trẻ có thể học gì từ điều này?

+ Hiện nay, một số bé mới chừng năm tuổi đã được cha mẹ đưa vào trường quốc tế nhưng sau đó không viết được ngay cả bức thư bằng tiếng Việt. Điều này cần được điều chỉnh.

Văn hóa, lịch sử, tiếng VN phải là máu thịt của mỗi người Việt. Bác Hồ vẫn nói giỏi bao nhiêu ngoại ngữ cũng phải sử dụng thành thạo tiếng nước mình, hiểu và mang văn hóa nước mình.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, chúng ta càng cần ý thức về điều này. Không có cốt cách, tính dân tộc của người VN thì khi hòa nhập sẽ dễ hòa tan.

Từ năm 1911, Bác đã đi nhiều nơi trên thế giới. Dù ở đâu, Bác vẫn sống trong những thông tin từ VN, viết rất nhiều bài báo mang đầy trăn trở về VN. Bác hòa nhập nhưng không hòa tan. Bác dùng sự hòa nhập, mối quan hệ với các nước để phục vụ dân tộc mình.

Ngày nay, càng hòa nhập chúng ta càng phải giữ vững độc lập, tự chủ, cốt cách VN thì mới thành công.

. Làm thế nào để tấm gương học tập, ý thức hội nhập nhưng vẫn giữ cốt cách VN của Bác ngày một lan tỏa mạnh mẽ?

+ Chúng ta cần làm cho giới trẻ thấy Bác không phải là ông thánh, vĩ nhân chung chung, mà là những điều rất cụ thể, sinh động.

Cần thêm nhiều cuốn sách và sản phẩm trên mọi phương tiện gồm những mẩu chuyện đời thường nhưng giàu ý nghĩa về Bác. Cần thêm những cán bộ làm tuyên huấn giỏi, hiểu về Bác để chia sẻ với cộng đồng. Phong trào học tập làm theo tấm gương Hồ Chí Minh đừng khuôn phép, sáo rỗng, mà hãy để mọi người hiểu Bác, tự thấm trong lòng và biến thành những việc làm cụ thể hằng ngày.

Các địa phương cần xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh để mọi người hiểu về Bác từ việc lớn đến việc nhỏ. Cách làm lan tỏa tấm gương Hồ Chí Minh cũng tương tự cách đổi mới môn lịch sử mà chúng ta vẫn kêu gọi.

. Xin cám ơn ông.•

Dành nhiều tâm huyết cho tác phẩm về Bác Hồ

Sinh ra ở Phú Yên, 12 tuổi, GS-TS Trình Quang Phú đã theo cha vào chiến khu, tham gia cách mạng.

Từ cậu bé giao liên thời chống Pháp đến nhà báo trong kháng chiến chống Mỹ, ông đã học hỏi, phấn đấu trở thành nhà khoa học, nhà văn, nhà báo, doanh nhân thành đạt. Ông cho ra đời gần 40 cuốn sách có giá trị về đất nước, con người VN. Mảng đề tài quan trọng mà ông dành nhiều tâm sức, thời gian là về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đó là các tác phẩm Đường Bác Hồ đi cứu nước, Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng, Người là niềm tin... Trong đó, một số tác phẩm được tái bản hàng chục lần, dịch sang tiếng nước ngoài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm