Sáng ngày 28-8, huyện Hóc Môn tổ chức Lễ giỗ các Nguyên lãnh đạo Đảng đã hy sinh vào ngày 28-8-1941 tại Hóc Môn và lễ tưởng niệm, cầu siêu cho các tiền bối cách mạng, các chiến sĩ, đồng bào yêu nước đã hy sinh vào tháng 8-1941; các cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong, trong đại dịch COVID-19 vừa qua.
Buổi lễ được tổ chức vào sáng ngày 28-8. Ảnh: NT |
Tham dự có ông Trương Tấn Sang - nguyên Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam, ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM cùng lãnh đạo các cơ quan đơn vị khác.
7 giờ 30 phút, đoàn thực hiện lễ dâng hoa, dâng hương tại Đài Tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh tại Nhà thương Giếng nước.
Ông Trương Tấn Sang - Nguyên Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam và ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP.HCM thắp hương tại Đài Tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh tại Nhà thương Giếng nước. Ảnh: NT |
Đến 8 giờ đoàn đến dâng hoa, dâng hương tại Di tích lịch sử cấp Thành phố “Nơi họp Hội nghị xứ ủy Nam kỳ”.
8 giờ 30 phút, đoàn đã đến Dâng hoa, dâng hương tại Di tích lịch sử cấp Quốc gia Ngã Ba Giồng. Lễ cầu siêu cũng được tổ chức tại đây.
8 giờ đoàn đến dâng hoa, dâng hương tại Di tích lịch sử cấp Thành phố “Nơi họp Hội nghị xứ ủy Nam kỳ”. Ảnh: NT |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn cho biết vùng đất Hóc Môn - Bà Điểm là cái nôi của cách mạng. Ngay từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược, Nhân dân huyện Hóc Môn đã cùng với Nhân dân Sài Gòn - Gia Định và Nhân dân cả nước nhất loạt đứng lên kháng chiến.
8 giờ 30 phút, đoàn đã đến Dâng hoa, dâng hương tại Di tích lịch sử cấp Quốc gia Ngã Ba Giồng. Ảnh: NT |
Sau cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ (11-1940), thực dân Pháp đã dựng lên tại Hóc Môn ba trường bắn để giết hại các lãnh đạo của Đảng bị bắt. Nhằm để uy hiếp tinh thần cách mạng của Nhân dân Hóc Môn, mỗi lần đưa các lãnh đạo của Đảng ra pháp trường, thực dân Pháp đều bắt Nhân dân đến xem.
Nguyên Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang thắp hương tại tại Di tích lịch sử cấp Quốc gia Ngã Ba Giồng. Ảnh: NT |
“Đến nay nhiều đồng chí đã hy sinh 81 năm nhưng hài cốt chưa được tìm thấy, vậy là đã hòa vào lòng đất của quê hương Hóc Môn-18 Thôn Vườn Trầu. Với lòng biết ơn vô hạn, chúng ta tổ chức lễ tưởng niệm, cầu siêu cho các đồng chí tiền bối cách mạng, các chiến sĩ, đồng bào yêu nước đã hy sinh vào tháng 8-1941, đồng thời với các chiến sỹ và Nhân dân đã tử vong do đại dịch COVID -19 vừa qua” – ông Khuyên phát biểu.
Buổi lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm, cầu siêu kết thúc vào khoảng 11 giờ cùng ngày. Ảnh: NT |
Theo lãnh đạo Huyện ủy huyện Hóc Môn, Đảng bộ chính quyền và Nhân dân huyện Hóc Môn cùng Thành phố và cả nước đã vượt qua dịch bệnh một cách kiên cường, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người.
Ông Trần Văn Khuyên - Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn cho biết hiện kinh tế, xã hội trên địa bàn đã được khôi phục, phát triển sau đại dịch COVID-19. Ảnh: NT |
"Hiện nay đang khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, của người dân, góp phần ổn định, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương"- ông Khuyên thông tin.