Tòa bị áp lực khi đưa người nghiện đi cai

Nhiều khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm giải quyết trong việc đưa người nghiện không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã được nêu ra tại hội nghị chuyên đề do TAND quận 4 (TP.HCM) tổ chức ngày 30-12.

Việc mới, cán bộ tòa gặp áp lực

Theo TAND quận 4, qua một năm thực hiện, tòa này đã thụ lý 438 hồ sơ, ra quyết định chấp nhận đề nghị đưa đi cai nghiện bắt buộc 425 hồ sơ. Do người nghiện đã được cơ quan công an bàn giao tập trung vào một chỗ là cơ sở tiếp nhận nên việc thực hiện các bước theo quy định như tống đạt các văn bản tố tụng, quyết định của tòa và các thủ tục khác của cơ quan chức năng gặp nhiều thuận lợi. Phòng họp được bố trí ngay tại cơ sở tiếp nhận đối tượng nên không có trường hợp nào phải hoãn phiên họp do vắng người bị đề nghị đưa đi cai nghiện...

Tuy nhiên, vì đây là một loại việc hoàn toàn mới của tòa nên quá trình thực hiện vẫn còn gặp lúng túng, vướng mắc về biểu mẫu, thủ tục… Quãng đường từ trụ sở của tòa, VKS, cơ quan đề nghị đến cơ sở tiếp nhận người nghiện là quá xa nên cán bộ phải đi lại tống đạt nhiều lần. Thời gian giải quyết theo quy định ngắn, trong khi tòa phải thực hiện nhiều thủ tục nên thẩm phán, thư ký tòa bị áp lực không nhỏ vì phải tập trung cao độ.

Cạnh đó, việc xác minh nhân thân, nơi cư trú của người nghiện chưa được đảm bảo, còn sơ sài, không đúng quy định, thậm chí có hồ sơ còn lưu bản xác minh qua điện thoại. Thời gian lập hồ sơ đề nghị cũng bị vi phạm… Lý giải về việc này, đại diện công an một phường cho biết việc xác minh nơi cư trú của người nghiện gặp khó do một số địa phương hay đưa ra các lý do như cảnh sát khu vực đi học, nghỉ phép, không phải ca trực... làm kéo dài thời gian, đặc biệt là các trường hợp phải xác minh ở tỉnh.

Trên thực tế, nhiều người nghiện có biểu hiện tự hành hạ mình như đập đầu, la hét, bỏ ăn uống... Đây là một vấn đề nan giải với cơ quan chức năng. Việc vận chuyển người nghiện lên cơ sở cai nghiện mất rất nhiều thời gian, công sức. Phải di chuyển với quãng đường dài, không có xe chuyên dụng, thường phải đi bằng taxi mà không có chi phí tạm ứng trước (trung bình một chuyến đi về tốn 1,2 triệu đồng, chi phí này chỉ được hoàn lại khi có quyết định của tòa - NV).


Học viên cai nghiện đang lao động tại một trung tâm ở TP.HCM. Ảnh: HTD

Nhiều bất cập về quy định

Bên cạnh đó, quá trình thực hiện thủ tục đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc của tòa cũng cho thấy còn những điểm bất cập, thiếu thống nhất về mặt quy định.

Cụ thể, điểm b khoản 1 Điều 103 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định chủ tịch UBND cấp xã lập hồ sơ đề nghị đưa người nghiện đi cai. Điểm c khoản1 điều này cũng quy định công an cấp xã giúp chủ tịch UBND cùng cấp thu thập tài liệu và lập hồ sơ đề nghị. Như vậy, có thể hiểu là trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị là chủ tịch UBND cấp xã, còn công an cấp xã chỉ giúp cho chủ tịch UBND cấp xã lập hồ sơ. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 8 Nghị định 221/2013 của Chính phủ (chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc) lại quy định công an cấp xã là cơ quan lập hồ sơ là chưa có sự thống nhất với luật.

Mặt khác, Điều 95 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người có hành vi vi phạm quy định tại Điều 96 luật này để chữa bệnh, lao động, học văn hóa, học nghề dưới sự quản lý của cơ sở cai nghiện bắt buộc. Theo khoản 1 Điều 96 luật này, đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định. Tuy nhiên, điểm c khoản 2 Điều 3 luật này lại quy định “việc quyết định thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng” là chưa phù hợp...

Đại diện Phòng Tư pháp quận 4 bổ sung: Nghị định 221/2013 của Chính phủ không quy định biện pháp xử lý trong trường hợp người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn không tiến bộ, vi phạm các cam kết; không quy định về căn cứ để đánh giá sự tiến bộ của họ.

Cạnh đó, có những tình huống mà pháp luật về đưa người đi cai nghiện bắt buộc chưa dự liệu để điều chỉnh. Chẳng hạn mới đây, Phòng Tư pháp quận 4 vừa hoàn tất một hồ sơ đề nghị đưa đi cai nghiện bắt buộc, chuẩn bị chuyển sang tòa giải quyết thì người nghiện bị cơ quan công an tạm giam để điều tra một vụ án hình sự. Cán bộ tư pháp lúng túng, không biết phải tiếp tục xử lý hồ sơ này như thế nào vì luật chưa có quy định.

Từ thực tiễn trên, TAND quận 4 kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét hoàn thiện quy định để việc áp dụng được thống nhất, dễ dàng. Ngoài ra, tòa cũng đề xuất cần có biên bản giao nhận hồ sơ giữa các cơ quan liên quan để tránh thất lạc tài liệu, đồng thời đề nghị TAND Tối cao đưa các vụ việc này vào thống kê để tính số liệu giải quyết cho thẩm phán.

Giải quyết nhanh chóng nhưng thận trọng

Trong quá trình thực hiện thủ tục đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc, dù làm việc nghiêm túc nhưng TAND quận 4 cũng rất thận trọng để tránh làm sai.

Chẳng hạn trường hợp của ông Nguyễn Văn Bình. Tại buổi tòa mở phiên họp xét hồ sơ, ông khẳng định mình không biết chữ, bị cán bộ công an phường cầm tay điểm chỉ vào hồ sơ, bản thân ông không trực tiếp thực hiện test ma túy... Thêm nữa, ông có nơi cư trú ổn định tại địa chỉ khai trong hồ sơ. Sau khi xem xét, tòa đã dừng phiên họp, trả hồ sơ đề nghị bổ sung.

Trường hợp khác, suốt quá trình từ lúc công an phường lập hồ sơ đến khi tòa mở phiên họp, chị Phạm Ngọc Phương Loan không khai là mình có thai. Nhưng khi chị được đưa vào cơ sở cai nghiện thì nơi đây phát hiện ra chị có thai. Ngay sau đó, tòa đã ra quyết định miễn thời hạn cai nghiện còn lại cho chị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm