Theo Chinhphu.vn, sáng 7-3, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu lực lượng chức năng tập trung tấn công, trấn áp tội phạm, triệt phá các băng nhóm nguy hiểm, xuyên quốc gia, truy bắt đối tượng truy nã, không để hình thành các băng nhóm, hoạt động theo kiểu xã hội đen.
Sử dụng lợi ích nhóm để tham nhũng
Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ cho biết trong năm 2016, tuy các vụ phạm pháp hình sự có giảm (54.511 vụ, giảm 4,4% so với cùng kỳ) nhưng lại nổi lên hoạt động của tội phạm có tổ chức ở các địa phương gây bức xúc trong nhân dân.
Đáng chú ý là tội phạm giết người gia tăng. Tội phạm về tham nhũng, kinh tế vẫn diễn ra phức tạp, tinh vi, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, lĩnh vực với tính chất nghiêm trọng. Tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng vẫn là nguy cơ lớn đối với hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia. Các đối tượng thường thông đồng, móc ngoặc giữa nhóm tội phạm trong và ngoài ngân hàng để trục lợi, cố ý làm trái các quy định, gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng.
Bên cạnh tình trạng “sở hữu chéo”, “lợi ích nhóm” trong lĩnh vực ngân hàng, xuất hiện thủ đoạn sử dụng lợi ích nhóm để tham nhũng, có sự chuyển dịch lợi ích ra khu vực ngoài nhà nước để tham nhũng. Đáng lo ngại là tiềm ẩn tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư công, quản lý, vận hành ở các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước gây thất thoát lớn nguồn vốn nhà nước...
Ban chỉ đạo cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế như hoạt động đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm chưa đủ mạnh, vẫn còn sai sót trong điều tra, xử lý tội phạm, nhất là ở cấp cơ sở.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Tập trung truy bắt những kẻ trốn ra nước ngoài
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ, nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị đối với công tác này. “Ở nơi nào đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu thì tình hình tội phạm giảm, ngược lại thì tội phạm lộng hành” - ông nói.
“Các lực lượng cần tập trung tấn công, trấn áp tội phạm, triệt phá các băng nhóm nguy hiểm, xuyên quốc gia, truy bắt đối tượng truy nã, kể cả đối tượng đã trốn ra nước ngoài, không để hình thành các băng nhóm, hoạt động theo kiểu xã hội đen. Nơi nào để tội phạm lộng hành thì lãnh đạo nơi đó phải chịu trách nhiệm” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các cơ quan tư pháp có sự phối hợp chặt chẽ trong điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Đặc biệt, nhanh chóng truy tố, xét xử những vụ án lớn, được dư luận xã hội quan tâm, tăng cường xét xử lưu động để răn đe tội phạm.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương, lãnh đạo các đơn vị cần làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức lối sống, giữ vững kỷ cương, kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, chiến sĩ vi phạm pháp luật, người bảo kê, “chống lưng” cho tội phạm lộng hành.
Đau đầu với người nghiện ma túy Trong năm 2016, tội phạm về ma túy có chiều hướng tăng, tình hình mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp ngày càng phức tạp, chủ yếu là từ Trung Quốc vào. Gần đây nổi lên tình trạng vận chuyển ma túy qua đường hàng không, đường biển, có vụ hàng tấn ma túy. Cũng trong năm vừa qua, toàn quốc hiện có 210.751 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (67,5% người nghiện đang ở ngoài xã hội). Theo báo Công an TP.HCM, tại hội nghị, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM, đề nghị với những đối tượng có dấu hiệu nghiện đến mức loạn thần do sử dụng ma túy tổng hợp, cần cách ly để phòng ngừa phạm tội ở mức độ nghiêm trọng hơn vì những người này rất khó quản lý, xử lý tại cộng đồng. Với cai nghiện tại cộng đồng, cần nghiên cứu cụ thể hóa các quy định trong các trường hợp không ràng buộc được trách nhiệm của gia đình đối với thân nhân người nghiện… |