Ngày 7-12, tại kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026, UBND tỉnh đã báo tình hình thực hiện công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023.
Toàn cảnh kỳ họp thứ năm của HĐND tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: VŨ LONG |
Năm 2022, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản có chiều hướng gia tăng, nhất là lừa đảo qua mạng.
Ngoài ra, "vấn nạn" đánh bạc, tổ chức đánh bạc nổi lên vẫn là hình thức ghi số đề và cá độ bóng đá qua mạng Internet với nhiều phương thức, thủ đoạn che giấu, ngụy trang tinh vi.
Tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế xảy ra nhiều trên lĩnh vực quản lý, khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản (chiếm 36,5% tổng số vụ), đáng chú ý xảy ra một vụ phá rừng quy mô lớn với diện tích 424,3ha tại xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp.
Đối với các loại tội phạm về tham nhũng, chức vụ nổi lên là các hành vi lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý ngân sách, tài sản của cơ quan, trường học, doanh nghiệp để lập khống hồ sơ, chứng từ tham ô tài sản; lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để chiếm đoạt tiền của Nhà nước; lợi dụng giải quyết vụ việc vi phạm pháp luật, giải quyết thủ tục hành chính để nhận hối lộ.
Vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường xảy ra ở nhiều địa bàn, lĩnh vực, nổi lên là các hành vi: Xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật ra ngoài môi trường; khai thác cát, đất sét, đất đồi,... trái phép làm nguyên vật liệu xây dựng; săn bắt, vận chuyển, mua bán trái phép động vật hoang dã; chế biến, kinh doanh, bảo quản thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.
Cũng theo UBND tỉnh Đắk Lắk, tội phạm về ma túy xảy ra tập trung tại các địa bàn trọng điểm như TP Buôn Ma Thuột và các huyện Ea H’Leo, Ea Súp, Krông Búk, Krông Năng. Ma túy tổng hợp chiếm tỷ lệ lớn, nguồn ma túy chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc (Cao Bằng, Nghệ An) và các tỉnh phía Nam (TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai) qua đường bộ vận chuyển vào địa bàn tiêu thụ.
Tội phạm sử dụng công nghệ cao nổi lên là hành vi sử dụng mạng xã hội, mạng viễn thông để lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tổ chức đánh bạc, đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá, ghi số đề với phương thức, thủ đoạn tinh vi, nhiều đối tượng tham gia, số tiền giao dịch lớn, có vụ lên đến 200 tỉ đồng.
Tội phạm về trật tự xã hội trong năm 2022 được kiềm giảm mạnh so với năm 2021, như cướp tài sản, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, trộm cắp tài sản…
Trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chiến lượng và chương trình của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Trọng tâm là Kết luận số 13, Chỉ thị số 48, Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị…
Tăng cường, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, giải pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tội phạm. Thực hiện tốt việc phòng ngừa tội phạm ngay từ cơ sở, giải quyết triệt để những mâu thuẫn, bức xúc trong nhân dân.
Đẩy mạnh triệt phá các băng, nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, không để tình hình các tổ chức tội phạm hoạt động kiểu “xã hội đen”…
Trong năm 2022, nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội tỉnh Đắk Lắk đạt và vượt. Trong đó, tổng thu ngân sách toàn tỉnh ước đạt hơn 9.100 tỉ đồng (chi ngân sách năm 2022 ước đạt hơn 18.000 tỉ đồng), tăng 111,6% dự toán của HĐND tỉnh giao, tăng 11,5% so với năm 2021. Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, với 16/16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra...