Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, đêm 1-12, Công an thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) khám xét căn biệt thự mang tên “Thiện Soi”, là nơi ở của ông Lê Thái Thiện.
Căn biệt thự màu vàng nằm sát quốc lộ 51, thuộc xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ nổi bật trên khu đất hơn 3.000 m2 theo kiến trúc châu Âu, bên trong có nhiều đồ gỗ, họa tiết trang trí như dát vàng, nhiều xe hơi loại đắt tiền.
Ông Giang Văn Hiển (cha Giang Kim Đạt) từng lãnh án 12 năm tù về tội rửa tiền (Đạt lãnh án tử hình tội tham ô tài sản). Ảnh: ĐỨC MINH
Nhiều vụ đã được xét xử
Ông Thiện và con trai bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và rửa tiền. Cha con ông Thiện được biết đến khi kinh doanh dịch vụ karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, sở hữu nhiều bất động sản. Hiện cơ quan điều tra đã có thông báo tìm bị hại trong vụ án.
Trước vụ án này đã có nhiều bị cáo bị tòa xét xử về tội rửa tiền. Người phạm tội có thể là người thân như cha mẹ, vợ chồng, bạn bè, người quen… của người nhờ rửa tiền giùm.
Chẳng hạn, tháng 8-2017, TAND Cấp cao tại Hà Nội xử phúc thẩm vụ án tham ô tài sản và rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines). Cha của Giang Văn Đạt (nguyên quyền trưởng phòng kinh doanh công ty này) lãnh 12 năm tù về tội rửa tiền.
Tòa kết luận Đạt đã nhờ cha mở tài khoản ngoại tệ tại nhiều ngân hàng. Các đối tác nước ngoài đã chuyển tổng cộng hơn 260 tỉ đồng. Sau khi nhận được tiền, ông này đã mua 40 bất động sản đứng tên người thân, mua đi bán lại 13 ô tô. Ông này nhận thức được số tiền nhận được là bất hợp pháp, việc Đạt nhờ mở nhiều tài khoản là để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng nhưng vẫn tích cực thực hiện.
Ở tỉnh Phú Thọ, vụ án đánh bạc ngàn tỉ đình đám mà dư luận đặc biệt quan tâm, ngoài tội danh tổ chức đánh bạc, Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương cùng một số đồng phạm cũng bị xét xử về tội rửa tiền.
Tòa kết luận: Sau khi có được tiền bất chính từ tổ chức đánh bạc trực tuyến, Nam chuyển tiền lòng vòng qua nhiều nấc trung gian đến người thân, bạn bè để gửi tiết kiệm, đầu tư góp vốn vào các dự án, mua bất động sản.
Đối với Dương, sau khi thu lời bất chính 1.655 tỉ đồng, Dương lập các công ty ma để quay vòng tiền, nâng khống vốn, đầu tư vào dự án BOT và lập nhiều công ty, nhờ người thân đứng tên để ký giao khoán hợp đồng...
Căn biệt thự “Thiện Soi” của ông Lê Thái Thiện và cảnh công an khám xét tối 1-12 (ảnh nhỏ). Ảnh: KL
Hiểu thế nào về tội rửa tiền
Luật sư (LS) Nguyễn Sơn Lâm, Đoàn LS TP.HCM, phân tích: Theo Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 thì rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có.
BLHS 1985 không quy định tội danh rửa tiền. Tội này lần đầu tiên quy định tại Điều 251 BLHS 1999 sửa đổi, bổ sung 2009, điều luật này có tên: Hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có.
Điều 324 BLHS 2015 định danh những hành vi rửa tiền gồm: Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính… nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản…; sử dụng tiền, tài sản do phạm tội mà có vào việc kinh doanh hoặc hoạt động khác; che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do phạm tội mà có…
LS Lâm nói: “Tội rửa tiền là tội có cấu thành hình thức, cá nhân phạm tội thì có thể bị phạt 1-15 năm tù tùy theo khung hình phạt. Đối với pháp nhân thì tùy trường hợp có thể bị phạt tiền với ba khung hình phạt; hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn và có thể bị hình phạt bổ sung”.
Ngoài ra, Luật Phòng, chống rửa tiền 2012, Nghị định 116/2013 và Nghị định 87/2019, Luật Các tổ chức tín dụng 2017 và các văn bản pháp luật khác quy định cụ thể các biện pháp phòng, chống rửa tiền.
Phan Sào Nam từng lãnh án 3 năm tù về tội rửa tiền, 2 năm tù về tội tổ chức đánh bạc, tổng hợp hình phạt chung là 5 năm tù. Cùng vụ án này, Nguyễn Văn Dương lãnh án 10 năm tù cho cả hai tội (mỗi tội 5 năm). Ảnh: TUYẾN PHAN
Theo LS Vũ Quốc Toản, Đoàn LS TP.HCM, BLHS 2015 xem rửa tiền thuộc nhóm tội xâm phạm đến trật tự công cộng trong việc quản lý xã hội. Đối tượng tác động của tội phạm là tiền, các loại tài sản do phạm tội mà có, với bất kỳ loại tội gì mà người đó hoặc người khác đã thực hiện mang lại số tiền và tài sản bất hợp pháp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hành vi rửa tiền không chỉ xâm phạm đến trật tự công cộng mà còn xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế.
LS Toản nói: “Tội phạm rửa tiền luôn gắn liền với hành vi phạm tội khác, nhất là tội phạm về kinh tế như buôn lậu, kinh doanh trái phép, trốn thuế, các tội phạm về tham nhũng, ma túy...”.
Vì vậy, theo LS Toản, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã có Nghị quyết 03/2019 hướng dẫn áp dụng Điều 324 tội rửa tiền. Nghị quyết quy định nhiều tội phạm là tội phạm nguồn của tội rửa tiền. Theo đó, để giải quyết triệt để vụ án, việc truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội rửa tiền có thể được thực hiện cùng lúc với việc truy cứu TNHS về tội phạm nguồn và không loại trừ việc truy cứu TNHS tội phạm nguồn.
Những vụ án có hành vi rửa tiền đang điều tra
Tháng 7-2019, cơ quan điều tra kết luận Bùi Quang Huy (tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường) có dấu hiệu tội rửa tiền. Huy đang bị truy nã quốc tế. Theo cơ quan điều tra, Huy đã sử dụng tiền buôn lậu đầu tư vào công ty kinh doanh phần mềm, đây là cách để rửa những dòng tiền đen.
Nguyễn Thái Lực (em trai Nguyễn Thái Luyện - cựu chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) đứng tên nhận chuyển nhượng nhiều đất nông nghiệp và đất ở do Luyện mua tại nhiều tỉnh, thành. Ngoài ra, Lực còn sử dụng tài khoản cá nhân để chuyển/nhận tiền dù biết rõ đây là tiền chiếm đoạt từ khách hàng. Tháng 10-2019, Lực bị khởi tố tội rửa tiền.
Ngày 2-11-2020, TAND TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm đại án Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) thiệt hại 1.700 tỉ đồng. Tòa kết luận: Lợi dụng chức vụ chủ tịch HĐQT, ông Trần Bắc Hà tạo điều kiện cho con trai mình là Trần Duy Tùng góp vốn vào Ngân hàng LaoVietBank. Hành vi chuyển 10,4 triệu USD ra nước ngoài của Tùng có dấu hiệu của tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới hoặc rửa tiền. Từ đó cơ quan điều tra truy nã quốc tế Tùng, tách vụ án, tạm đình chỉ, khi nào bắt được sẽ xử lý.
P.LOAN
Tội rửa tiền ở các nước
Mỹ và Canada: Mức phạt tối đa cho tội rửa tiền có thể là 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội có thể phải đóng thêm số tiền phạt tối đa là 500.000 USD. Hành vi rửa tiền thường được xem xét đồng thời với hành vi tạo ra lợi nhuận bất chính. Ví dụ, một người buôn bán ma túy và kiếm được một lượng lớn tiền mặt, sau đó chuyển đổi bất hợp pháp để che giấu nguồn tiền, có thể bị kết án ở cả hai tội phân phối chất cấm và rửa tiền.
Úc: Chia vi phạm thành ba mức dựa vào trạng thái nhận thức (yếu tố lỗi) của người thực hiện hành vi: niềm tin/ý định, sự liều lĩnh hoặc sơ suất. Tùy mức độ vi phạm mà người phạm tội có thể chịu mức án cao nhất là 25 năm tù.