Nguy cơ rửa tiền cao nhất đến từ tham ô tài sản

Thanh tra Chính phủ mới đây đã ban hành kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019-2020 và kế hoạch tổng thể cho đánh giá đa phương của Việt Nam về chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố.

Đặc biệt, cơ quan thanh tra cũng công bố báo cáo tóm tắt đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố tại Việt Nam giai đoạn 2012-2017, với rất nhiều nội dung đáng chú ý.

Cha con Giang Kim Đạt bị xét xử về tội tham ô và rửa tiền

Nguy cơ rửa tiền từ tội tham ô cao nhất

Các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam đã đưa ra danh sách 17 loại tội phạm nguồn chính của tội rửa tiền vào đánh giá. Qua đó xác định tham ô và nhận hối lộ là hai trong số những loại tội phạm có nguy cơ cao của hành vi rửa tiền.

Cụ thể, tính tới thời điểm báo cáo, Việt Nam đã tiến hành điều tra, khởi tố một vụ án về tội rửa tiền có nguồn gốc từ tội tham ô (vụ án xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin).

Ở nhóm tội phạm về tham nhũng, số vụ án bị truy tố, xét xử về tội tham ô tài sản cao hơn so với tội nhận hối lộ và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Qua các vụ án tham ô được xét xử có thể thấy các khoản tiền bị chiếm đoạt là rất lớn, có những vụ án số tiền này lên đến hàng trăm tỉ đồng. Số tiền bị chiếm đoạt này được sử dụng cho mục đích chi tiêu cá nhân, mua sắm bất động sản, tài sản có giá trị hoặc được “rửa tiền”.

Tương tự, ở tội nhận hối lộ, loại tội phạm này được đánh giá thường khó phát hiện. Dù vậy, những năm gần đây, các vụ án nhận hối lộ có giá trị lớn dẫn đến nguy cơ rửa tiền ngày càng tăng cao. Số tiền phải thi hành án đối với tội hối lộ năm 2017 tăng gấp 3 lần so với năm 2016.

Một loại tội phạm khác mà cơ quan thực thi pháp luật cho rằng cần “đặc biệt quan tâm theo dõi”, đó là lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Trong cơ cấu án về các tội phạm tham nhũng, số vụ án và bị cáo bị xét xử hàng năm đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là thấp hơn so với tội tham ô tài sản và cao hơn so với tội hối lộ.

Dù số tiền phải thi hành án đối với loại tội phạm này chiếm tỉ lệ nhỏ trong cơ cấu án về các tội phạm tham nhũng, nhưng đang có sự tăng đột biến (năm 2016 là 18,1 tỉ đồng, đến năm 2017 tăng lên 64,4 tỉ đồng).

Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử đã chỉ ra tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thuộc nhóm nguy cơ cao liên quan đến rửa tiền.

Bất động sản là một trong những lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền cao nhất. Ảnh minh họa

Ngân hàng, bất động sản là “điểm đến”

Báo cáo cũng chỉ rõ nguy cơ rửa tiền theo lĩnh vực tại Việt Nam. Kết quả cho thấy ngân hàng và bất động sản đứng đầu bảng.

Trong đó, lĩnh vực ngân hàng chiếm gần 90% tổng số báo cáo giao dịch đáng ngờ (STR) gửi đến Cục Phòng, chống rửa tiền. Mặc dù không phải tất cả các khoản tiền bất chính đều được đưa vào chu trình tẩy rửa tiền, song điều này cũng chứng tỏ khả năng tội phạm lựa chọn hệ thống ngân hàng nhằm biến những đồng “tiền bẩn” trên thành “tiền sạch” là cao hơn.

Thêm vào đó, căn cứ từ những vụ đại án đã và đang bị điều tra về tội rửa tiền cũng như các số liệu về STR của Cục Phòng, chống rửa tiền, có thể thấy nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng có thể liên quan chủ yếu đến việc rửa tiền có nguồn gốc từ tội tham ô tài sản (tội phạm chủ yếu liên quan đến những người có chức vụ, quyền hạn), đánh bạc và trốn thuế.

Hòng che giấu nguồn tiền thu được, tội phạm thường sử dụng tài khoản ngân hàng dưới tên người khác để nhận và chuyển các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp.

Tiếp theo, bất động sản là lĩnh vực thu hút được nhiều nguồn tiền đầu tư có giá trị lớn, các giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản có thể thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch bất động sản nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền.

Ngoài ra, đối với các vụ đại án về tham ô thời gian qua hay như vụ đánh bạc nghìn tỉ đồng đang bị điều tra về rửa tiền, trong số các tài sản thu được đều liên quan đến các tài sản là các bất động sản. Để rửa tiền, các đối tượng phạm tội thường nhờ người thân trong gia đình mua, chuyển nhượng, cho tặng bất động sản.

Tính đến thời điểm báo cáo, Việt Nam chưa xảy ra khủng bố quốc tế và chưa phát hiện cơ sở, chân rết của các tổ chức khủng bố quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời một số âm mưu khủng bố do các phần tử khủng bố người Việt lưu vong ở nước ngoài tiến hành, điển hình là tổ chức khủng bố lưu vong với tên gọi “Việt Tân”. Do vậy, mức độ rủi ro về tài trợ khủng bố đối với Việt Nam được đánh giá là thấp.

Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết số 1267 của Liên hợp quốc, Bộ Công an đã cập nhật danh sách 2.300 cá nhân, tổ chức khủng bố quốc tế, 4.500 phôi hộ chiếu bị mất cắp có thể bị đối tượng khủng bố lợi dụng. Qua kiểm soát xuất nhập cảnh, Bộ Công an chưa phát hiện đối tượng khủng bố, nghi khủng bố quốc tế hoặc cá nhân sử dụng phôi hộ chiếu bị mất cắp nhập cảnh Việt Nam… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm