Ông Obama khẳng định: “Nga là một cường quốc khu vực đang đe dọa một số nước láng giềng, không phải bằng sức mạnh mà bằng sự yếu kém. Chúng tôi (Mỹ) có tầm ảnh hưởng đáng kể đối với các nước láng giềng của mình. Bình thường chúng tôi không cần phải xâm lược họ để có được quan hệ hợp tác bền chặt với họ”.
Tổng thống Obama nhấn mạnh Nga không phải là mối đe dọa số 1 đối với an ninh quốc gia Mỹ và lo ngại hơn về khả năng một vũ khí hạt nhân phát nổ ở Manhattan. Thế giới “luôn luôn rối ren”, ông Obama nói, nhưng Washington vẫn có thể dẫn đầu các đồng minh và “huy động cộng đồng quốc tế xung quanh hành động theo quy tắc và chuẩn mực”. Tổng thống Mỹ thừa nhận rằng trong một số cuộc khủng hoảng quốc tế vẫn chưa chấm dứt dù đã cố gắng ngăn chặn, đặc biệt là cuộc nội chiến ở Syria.
Phát biểu sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ ba tại La Haye - Hà Lan, ông Obama cũng cảnh báo rằng sự can thiệp quân sự của Nga rộng lớn hơn ở các nước láng giềng sẽ kích hoạt thêm nhiều lệnh trừng phạt kinh tế, dẫn đến làm gián đoạn nền kinh tế toàn cầu và Nga gặp khó khăn nhất. Tổng thống Obama thừa nhận rằng Nga dường như sẽ buông Crimea trong thời gian tới.
Trong khi đó, các nhà lập pháp sẽ xem xét cắt đứt quan hệ kinh doanh với Tập đoàn xuất nhập khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport trong tuần này, nhằm đáp trả sự can thiệp của Moscow ở Ukraine. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa Dan Coats cho rằng việc đó sẽ gây tổn thất cho ngành công nghiệp vũ khí, nền kinh tế Nga cũng như uy tính và chỗ đứng của Moscow, Tổng thống Nga trên chính trường thế giới.
Theo hãng tin Interfax hôm 25-3, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev không quá lo ngại trước các biện pháp trừng phạt Moscow, nói rằng ngay cả khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt nhiều hơn, các công ty muốn làm việc ở Nga sẽ không nản chí. “Tất cả sẽ ổn thôi” - ông Medvedev nói khi được hỏi liệu việc hợp tác với các công ty dầu khí nước ngoài có bị ảnh hưởng nếu các quốc gia phương Tây mở rộng lệnh trừng phạt chống lại Nga. “Những người muốn làm việc với chúng tôi trong bất cứ lĩnh vực nào, cho dù đó là khoa học, sản xuất, đầu tư, họ cũng sẽ không bỏ đi đến bất cứ nơi đâu” - ông cho biết.
Ngày 25-3, Quân đội Nga đã kiểm soát chiếc tàu cuối cùng ở Crimea vẫn còn treo cờ Ukraine, một quan chức quốc phòng khu vực Ukraina cho biết. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ukraine Vladyslav Seleznyov nói trên Facebook rằng cuộc tấn công tàu Cherkasy diễn ra 1 ngày sau khi quân đội Nga giành quyền kiểm soát tàu Kostyantyn Olshanskiy. Hai tàu này bị lực lượng Nga chặn lối thoát khỏi căn cứ nằm trong hồ Donuzlav, phía Tây Crimea từ vài tuần nay. Theo Vladyslav Seleznyov, trước vụ tấn công này, Nga đã điều một số trực thăng tấn công Mi-35, một tàu kéo bao vây căn cứ chặn lối thoát của hai tàu Ukraine.
Sau khi quyết định sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga, đã có một số thông tin cho rằng Nga sẽ khôi phục lại căn cứ tàu ngầm Balaklava từ thời Xô Viết. Theo Hoàn cầu Thời báo, một khi căn cứ tàu ngầm ở Balaklava được khôi phục, Hạm đội Biển Đen dễ dàng phong tỏa một vùng rộng lớn, rất khó để đối phương phát hiện.