TP Cần Thơ cảnh báo về 9 thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

(PLO)- Theo UBND TP Cần Thơ, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tiếp tục diễn biến phức tạp, mặc dù phương thức, thủ đoạn không mới, song cách thức tiếp cận nạn nhân ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND TP Cần Thơ vừa ban hành công văn về việc tăng cường phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

UBND TP Cần Thơ cho biết, theo báo cáo của cơ quan chức năng, qua ba năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 21/2020 của Thủ tướng về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, toàn quốc tiếp nhận 24.492 tố giác, tin báo tội phạm liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Số tố giác, tin báo tội phạm gia tăng qua các năm. Cơ quan điều tra toàn quốc đã khởi tố 9.349 vụ án, 5.689 bị can (trong đó, tội phạm lừa đảo sử dụng không gian mạng khởi tố 5.078 vụ án, 1.655 bị can).

Trên địa bàn TP Cần Thơ tiếp nhận 312 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị, khởi tố liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua đó đã xác minh, giải quyết, ra quyết định khởi tố 146 vụ, 111 bị can; không khởi tố vụ án 33 tin, tạm đình chỉ giải quyết 76 tin, chuyển cơ quan khác giải quyết 3 tin. Các tin còn lại đang tiếp tục xác minh, giải quyết. Số vụ tiếp nhận tin báo tăng qua từng năm, tập trung vào thủ đoạn tuyển dụng việc làm, cộng tác viên bán hàng, làm nhiệm vụ qua mạng.

Theo đó, UBND TP Cần Thơ đã chỉ ra 9 thủ đoạn lừa đảo thường gặp: Thông qua phương thức gọi điện thoại; tin nhắn SMS; chiếm quyền điều khiển (hack) hoặc giả mạo tài khoản mạng xã hội; tuyển dụng việc làm online, tuyển cộng tác viên bán hàng online; tạo tài khoản đầu tư chứng khoán; cho vay tiền online; kêu gọi làm từ thiện; bẫy tình, tặng quà có giá trị để lừa đảo… và nhiều thủ đoạn khác liên quan đến chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng được chỉ định sẵn.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TP và các tổ chức chính trị - xã hội TP; Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành TP và chủ tịch UBND quận, huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch của TP về triển khai kết luận của trung ương trong công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới…

Cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, thông báo, phổ biến sâu rộng các hành vi, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến các ngành, các cấp, tổ chức, doanh nghiệp, người dân, gắn với các vụ việc, vụ án cụ thể mang tính điển hình để người dân chấp hành pháp luật, đề cao cảnh giác, tăng cường các biện pháp quản lý, tự phòng ngừa, bảo vệ tài sản…

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Thủ đoạn gọi điện thoại, các đối tượng giả danh là cán bộ làm trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp như công an, tòa án, viện kiểm sát; giáo viên, nhân viên nhà mạng, bưu điện, điện lực, y tế, chuyển phát nhanh, ngân hàng, bảo hiểm xã hội, lãnh đạo công ty nơi bị hại làm việc..., sử dụng nhiều kịch bản khác nhau để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Qua tin nhắn SMS, các đối tượng thiết lập trạm BTS viễn thông giả mạo để phát tán tin nhắn thương hiệu của các ngân hàng, nhãn hàng lớn, bên trong tin nhắn chứa các đường link giả mạo để đánh cắp thông tin, tài khoản ngân hàng sau đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng lừa đảo còn thông qua việc chiếm quyền điều khiển (hack) hoặc giả mạo tài khoản mạng xã hội (như: zalo, facebook, messenger, telegram, instagram, tiktok...) sau đó gọi điện, nhắn tin đến bạn bè, người thân của chủ tài khoản để vay tiền, nhờ chuyển hộ tiền, mua thẻ cào điện thoại....

Đặc biệt, xuất hiện thủ đoạn mới là đối tượng sử dụng công nghệ "deepfake" để giả mạo âm thanh, video của chủ tài khoản, gọi “video call” để lừa đảo; sử dụng chức năng mở tài khoản ngân hàng online để tạo các tài khoản ngân hàng trùng tên với chủ tài khoản để lừa đảo.

Thông qua hoạt động đầu tư trên các sàn chứng khoán, sàn ngoại hối, tiền điện tử, các trang đánh bạc online, các đối tượng thường cử người đóng vai “chuyên gia tài chính”, “chim mồi” để tạo lòng tin với bị hại, tư vấn để bị hại kiếm được lợi nhuận đối với những lần đầu tư ít, khi bị hại nạp nhiều tiền thì tạo các lý do để bị hại nạp thêm tiền rồi chiếm đoạt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm