TP.HCM cần khắc phục sự trì trệ các dự án hạ tầng, đô thị

(PLO)- Để phát triển, TP.HCM cần phải khắc phục sự trì trệ trong việc thực hiện các công trình, các dự án xây dựng về giao thông, kinh tế, văn hóa.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-6, Hội đồng Lý luận Trung ương, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ TP.HCM trên các lĩnh vực.

Triển khai các nội dung thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, GRDP TP.HCM tăng bình quân khoảng 2%. Sáu tháng đầu năm 2023, GRDP ước chỉ tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022.

Đến nay, kinh tế TP.HCM vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức kéo dài. Tăng trưởng của các ngành ngân hàng thấp hơn so với các năm trước; giải ngân đầu tư công chậm tiến độ, không đạt mục tiêu hằng năm. Giai đoạn 2021-2022 ghi nhận sự sụt giảm lớn về tỉ lệ vốn đầu tư trên GRDP, bình quân chỉ đạt 20,1% trong khi thời kỳ 2011-2020 đạt 31,8%.

GS-TS Tạ Ngọc Tấn (trái), Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, cùng Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải chủ trì hội thảo. Ảnh: LÊ THOA

GS-TS Tạ Ngọc Tấn (trái), Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, cùng Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải chủ trì hội thảo. Ảnh: LÊ THOA

“Điều này cho thấy TP gặp khó khăn trong huy động vốn đầu tư phát triển TP, việc giải ngân vốn đầu tư đạt mức thấp, bao gồm giải ngân vốn đầu tư công. Nhiều dự án đầu tư quan trọng kéo dài nhiều năm nhưng chưa thể đưa vào khai thác…” - ông Hoan nói.

Một điểm đáng chú ý là mức độ quá tải về hạ tầng kinh tế - xã hội đang ngày càng gia tăng và gặp nhiều thách thức trên các lĩnh vực. Do vậy, nửa nhiệm kỳ còn lại, ông Võ Văn Hoan cho biết chính quyền TP sẽ tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế bền vững.

TP chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế TP; phát triển nhanh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, thế mạnh của TP; phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để đây thực sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội…

Ông Hoan khẳng định TP.HCM sẽ phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ. Triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM, đẩy mạnh cải cách hành chính...

Để không còn các dự án “đứng hình”

Góp ý tại hội thảo, TS Trần Du Lịch cho rằng TP.HCM đang có nhiều cơ hội khi Bộ Chính trị, Quốc hội ban hành nhiều nghị quyết quan trọng. Để phát huy tốt các cơ chế mới về hạ tầng, chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy hiệu quả tinh thần nghị quyết, hoạt động kinh tế trên địa bàn phải thị trường hơn các nơi khác.

Cũng theo TS Trần Du Lịch, TP.HCM phải nâng cao vai trò là cửa ngõ giao lưu kinh tế trong nước và giao thương quốc tế. Đây cũng phải là nơi thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. “Làm được những việc này, TP.HCM mới có thể vươn xa hơn ngang tầm khu vực và quốc tế” - ông Lịch nhấn mạnh.

TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhìn nhận hiện nay hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng văn hóa - xã hội của TP đang gặp nhiều thách thức. Nhiều công trình, dự án văn hóa - xã hội như Nhà hát TP, trung tâm triển lãm, Khu thể thao Rạch Chiếc, sân vận động Phan Đình Phùng… đang dở dang. TP.HCM hiện thiếu 6.000 phòng học.

Hay dự án hạ tầng đô thị gặp nhiều vấn đề về thể chế. Nhiều công trình đô thị, giao thông “đứng hình”, không triển khai được, nếu nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 cho phép TP thực hiện hình thức đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa - xã hội sẽ thu hút được nguồn lực đầu tư…

Kết luận hội thảo, GS-TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, đánh giá việc thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ TP.HCM đã đạt được những kết quả quan trọng. Dù trong điều kiện khó khăn nhưng GRDP, thu ngân sách của TP.HCM vẫn tăng, duy trì ổn định đời sống của người dân.

Về vấn đề xây dựng và cải thiện kết cấu hạ tầng, GS-TS Tấn cũng cho rằng phải khắc phục sự trì trệ trong việc thực hiện các công trình, các dự án xây dựng về giao thông, kinh tế, văn hóa.

“Vừa rồi Quốc hội bàn rất nhiều chuyện hơn 1 triệu tỉ đồng đắp chiếu trong ngân hàng. Trong khi một loạt doanh nghiệp, xí nghiệp đi vay vốn với tỉ lệ trả lãi là 10%-12%/năm. Điều này là phi lý” - GS-TS Tấn nói và cho rằng nếu không giải quyết tốt cơ chế thì không thể giải quyết tốt những chính sách cụ thể liên quan đến vấn đề về hạ tầng cùng nhiều vấn đề khác.

Cần quan tâm, tạo điều kiện hơn cho TP.HCM phát triển

Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải nói hiện nay Quốc hội đang xem xét dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.

“TP phấn khởi đón nhận và xác định khi nghị quyết mới được Quốc hội thông qua sẽ tạo nên những thuận lợi, điều kiện vô cùng lớn, tạo đà và động lực cho TP phát triển” - ông Hải nói và mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp để TP có giải pháp xây dựng kế hoạch, phương hướng cụ thể triển khai hiệu quả các cơ chế đặc thù, giải quyết những tồn tại, vướng mắc.

Ông cũng mong có sự quan tâm của trung ương, sự chung tay, chung sức của các tỉnh, thành để cùng TP.HCM thực hiện tốt Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị. Việc thực hiện tốt nghị quyết này cũng là một nhiệm vụ quan trọng để TP hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết 31 đặt ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm