TP.HCM cần được nuôi dưỡng bằng cơ chế, chính sách đúng tầm

(PLO)- Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, trong nhiều năm qua, tiềm năng, lợi thế của TP đã không được chủ động bồi đắp, nuôi dưỡng bằng cơ chế, chính sách đúng tầm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 22-6, Hội đồng lý luận Trung ương, Thành uỷ TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ TP.HCM trên các lĩnh vực.

Hội thảo do Hội đồng lý luận Trung ương cùng Thành uỷ TP.HCM tổ chức. Ảnh: THANH TUYỀN

Hội thảo do Hội đồng lý luận Trung ương cùng Thành uỷ TP.HCM tổ chức. Ảnh: THANH TUYỀN

TP.HCM cần giải pháp để tháo gỡ những tồn tại

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Hồ Hải, cho biết hiện Thành uỷ TP.HCM đang lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tổ chức đánh giá giữa nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ; Ban Chấp hành Đảng bộ TP cũng chuẩn bị tổ chức hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ vào cuối tháng 7 tới.

Theo ông Nguyễn Hồ Hải, sau Đại hội Đảng toàn quốc, trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã tích cực chỉ đạo công tác phòng chống dịch, vừa chủ động lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TP theo tinh thần đổi mới, thiết thực, phù hợp với tình hình.

Năm 2023, TP.HCM dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ chậm dần và thấp hơn so với mức tăng của năm 2022, bởi nhiều nguyên nhân. Kết thúc quý I, tăng trưởng của TP.HCM chỉ ở mức 0,7%.

Đứng trước nguy cơ này, TP.HCM đã cũng tự nhìn nhận, đánh giá, làm rõ nguyên nhân để đề ra giải pháp khả thi. Kinh tế TP dần phục hồi đáng kể so với quý I, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng trên 5%, đưa bình quân sáu tháng ước tăng 3,55%.

Phó Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cũng cho biết Thành uỷ đã lãnh đạo, ban hành và triển khai thực hiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, gắn với thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TP.

Từ đó, tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy TP.HCM phát triển nhanh, bền vững.

Hiện nay, Quốc hội cũng đang xem xét dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54. “TP phấn khởi đón nhận và xác định khi Nghị quyết mới được Quốc hội thông qua sẽ tạo nên những thuận lợi, điều kiện vô cùng lớn, tạo đà và động lực cho TP phát triển” – ông Hải nói và mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp để TP có giải pháp xây dựng kế hoạch, phương hướng cụ thể triển khai hiệu quả các cơ chế đặc thù, giải quyết những tồn tại, vướng mắc…

TP.HCM cần được nuôi dưỡng bởi cơ chế, chính sách đúng tầm

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, GRDP TP.HCM tăng bình quân khoảng 2%.

Trong đó, giai đoạn 2021-2022, kinh tế TP.HCM chịu cú sốc lớn từ đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân và ảnh hưởng nặng nề mọi mặt kinh tế - xã hội, bình quân GRDP chỉ tăng 1,58%. Sáu tháng đầu năm 2023, GRDP ước chỉ tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết tại hội thảo. Ảnh: THANH TUYỀN

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết tại hội thảo. Ảnh: THANH TUYỀN

Dù vậy, TP.HCM vẫn luôn nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước được giao. Ước thực hiện tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021-2023 là hơn 1,3 triệu tỉ đồng, đạt 109,18% so với dự toán và tăng 29,68% so với giai đoạn 2016-2018, tốc độ tăng thu bình quân là 26,42%...

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhìn nhận kinh tế TP.HCM vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức kéo dài, ngày càng gia tăng cùng với những khó khăn chung của nền kinh tế.

Quy mô sản xuất công nghiệp sụt giảm so với giữa nhiệm kỳ trước, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) bình quân giảm 0,47%/năm (giai đoạn 2016 - 2018 tăng bình quân 7,74%/năm). Bối cảnh khó khăn đã làm bộc lộ rõ nét tính chưa bền vững trong phát triển công nghiệp TP thời gian qua.

Các hoạt động của ngành ngân hàng nhìn chung có mức tăng trưởng thấp hơn so với các năm trước, thậm chí có giai đoạn không tăng trưởng. Giải ngân đầu tư công chậm tiến độ, không đạt mục tiêu hàng năm.

Chất lượng tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011-2020 nói chung và giai đoạn nửa đầu nhiệm kỳ nói riêng nhìn chung có cải thiện nhưng chưa có đột phá, tăng trưởng chủ yếu vẫn dựa vào vốn và lao động. Giai đoạn 2021-2022 ghi nhận sự sụt giảm lớn về tỉ lệ vốn đầu tư trên GRDP, bình quân chỉ đạt 20,1% trong khi thời kỳ 2011-2020 đạt 31,8%.

“Điều này cho thấy TP gặp khó khăn trong huy động vốn đầu tư phát triển TP, việc giải ngân vốn đầu tư đạt mức thấp, bao gồm giải ngân vốn đầu tư công. Nhiều dự án đầu tư quan trọng trên địa bàn kéo dài nhiều năm nhưng chưa thể đưa vào khai thác dẫn đến lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và nhiều hệ lụy về mặt xã hội, và môi trường” - ông Hoan nhìn nhận.

Cạnh đó, quy mô sản xuất công nghiệp sụt giảm so với giữa nhiệm kỳ trước; thị trường bất động sản, thị trường tài chính và nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.

Một điểm đáng chú ý là mức độ quá tải về hạ tầng kinh tế, xã hội đang ngày càng gia tăng và gặp nhiều thách thức trên các lĩnh vực. Nguy cơ ngập nước, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng; hạ tầng giao thông lạc hậu, chậm được mở rộng và nâng cấp...

Diện tích nhà ở của người dân TP vẫn ở dưới mức bình quân cả nước, TP cũng có quy mô dân số lớn, tốc độ gia tăng dân số nhanh, mật độ dân số tăng cao dẫn đến có xu hướng vượt mức độ an toàn đô thị...

“Năng lực quản trị có phần không theo kịp yêu cầu quản lý phức tạp một đô thị quy mô lớn, thể hiện trước hết ở nhiều hạn chế được bộc lộ từ mô hình tổ chức bộ máy chính quyền đô thị” - ông Hoan nhìn nhận.

Nửa nhiệm kì còn lại, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết chính quyền TP sẽ tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế bền vững.

TP chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế TP; phát triển nhanh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, thế mạnh của TP; phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để đây thực sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội; huy động có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển TP…

Ông Hoan khẳng định TP.HCM sẽ phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ. Triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM, đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai tổ chức chính quyền đô thị đồng bộ với chương trình Chuyển đổi số và đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.

“Thực tiễn trong nhiều năm qua cho thấy nếu tiềm năng, lợi thế của TP không được chủ động bồi đắp, nuôi dưỡng bằng cơ chế, chính sách đúng tầm, nếu năng lực thực thi của các cấp, các ngành không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì không thể tạo nên những đột phá mới” – ông Hoan nói.

Phát biểu đề dẫn, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, cho biết quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII trong thời gian qua cho thấy vẫn còn không ít hạn chế cả trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Bối cảnh mới của thế giới và trong nước từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức lớn. Do vậy, phải bình tĩnh, phát huy thật tốt những kết quả, bài học kinh nghiệm đã có, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nhất là từ đầu nhiệm kỳ khoá XIII đến nay.

Theo TS Tạ Ngọc Tấn, một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết đang đặt ra là phải tiếp tục tổng kết thực tiễn, nhất là từ kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên các lĩnh vực gắn với thực tiễn gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới tại các địa phương.

Việc này nhằm hoạch định đường lối của Đảng và chính sách của nhà nước trong giai đoạn tới, nhất là chuẩn bị cho việc xây dựng văn kiện Đại hội XIV.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm