Kinh tế TP.HCM tháng 4 có nhiều điểm sáng

(PLO)- Trong tháng 4, các chỉ số kinh tế của TP.HCM có dấu hiệu khởi sắc trở lại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 28-4, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp tình hình kinh tế - xã hội tháng 4, bốn tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng 5-2023.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp. Ảnh: THANH TUYỀN

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp. Ảnh: THANH TUYỀN

Nhiều điểm khởi sắc

Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết tình hình kinh tế - xã hội TP trong tháng 4 có những chuyển biến tích cực.

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt khoảng 95.853 tỉ đồng, tăng 12,2% so với tháng 3. Hoạt động xuất khẩu ước đạt 3,61 tỉ USD, giảm 3,6% so với tháng 3.

Hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 5,25 tỉ USD, tăng 8,5% so với tháng trước.

Tính chung bốn tháng đầu năm, tổng doanh thu ước đạt 51.147 tỉ đồng, tăng 75,5% so với cùng kỳ năm 2022. Khách du lịch nội địa ước đạt 10.559.167 lượt, tăng 54,7%; khách quốc tế ước đạt 1.384.421 lượt, tăng 1.106,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4 ước tính tăng 3% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ. Bốn tháng đầu năm 2023, chỉ số này tăng 1,4% so với cùng kỳ.

Chia sẻ thêm về tình hình bất động sản trên địa bàn TP, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng thông tin trong tháng 4, số hồ sơ mua bán đất đai trên địa bàn TP là 7.400 hồ sơ (tăng 26% so với tháng 3), thu thuế 1.200 tỉ đồng (bằng 44% so với chỉ tiêu năm 2023).

“Điều này cho thấy tín hiệu khả quan, tháng 5 và các tháng còn lại với đà tăng như trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng chung của TP” - ông Thắng đánh giá. Ông Thắng cho biết từ đầu năm đến nay, Sở TN&MT cũng đã cấp giấy chứng nhận cho các dự án nhà ở với khoảng 7.600 căn hộ.

Hiện còn hơn 81.000 căn chưa được cấp giấy chứng nhận. Dự kiến trong tháng 5 sẽ giải quyết được hơn 8.100 căn (chiếm 19%) trong tổng số nêu trên.

Còn Giám đốc Sở Tài chính Lê Duy Minh cho hay tổng ngân sách thu sau bốn tháng là 170.000 tỉ đồng (đạt 36%), có thể đảm bảo các mục tiêu đề ra.

Ông Minh đề nghị TP cần giải bài toán để làm sôi động lại thị trường bất động sản, khơi thông hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo ông Minh, thị trường chứng khoán phản ánh sức khỏe doanh nghiệp, nếu khôi phục để đảm bảo niềm tin thì thị trường sẽ dần ấm lại.

Với các dự án lớn, đã khởi công, Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu tập trung quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ,

ra vốn sớm.

Tăng tốc giải ngân đầu tư công từ giữa năm

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận tình hình kinh tế TP trong tháng 4 có một số điểm sáng, có xu hướng phục hồi, phát triển, nhiều vấn đề có sự chuyển động; đặc biệt là những tháo gỡ từ trung ương. Các chuyển biến tích cực đến từ thị trường, sự nỗ lực của chính quyền TP.

Dù vậy, tình hình khó khăn vẫn còn kéo dài. Các sở, ngành và địa phương cần bám sát thực tiễn để đưa ra những dự liệu, kịp thời ứng biến trong tháng 5.

Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu các sở, ngành tập trung cùng UBND TP ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31 mà Bộ Chính trị đã ban hành.

Đối với 29 nội dung mà TP đã kiến nghị với Thủ tướng, phải ban hành kế hoạch thực hiện các kết luận của Thủ tướng. Đồng thời, tập trung hoàn thiện kế hoạch triển khai nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54. Chủ tịch Phan Văn Mãi nói Thường trực Ủy ban đã chuẩn bị kế hoạch cho việc thực hiện nghị quyết mới, Thường trực UBND TP đã xây dựng kế hoạch, phân giao cho các sở, ngành thực hiện.

Với các nhiệm vụ mà TP đã giao cho các sở, ngành, cần phải tập trung thực hiện dứt điểm; trong đó tập trung giải quyết các dự án, các vấn đề tồn đọng liên quan đến lĩnh vực xây dựng, đất đai… Các ý kiến khi doanh nghiệp, người dân, các hiệp hội, báo chí phản ánh thì phải tiếp nhận, đánh giá vấn đề để xử lý ngay.

Nhiệm vụ quan trọng trước mắt của TP là về giải ngân đầu tư công. Ông Mãi yêu cầu Sở KH&ĐT theo dõi, yêu cầu các chủ đầu tư hoàn thành các hồ sơ, thủ tục của các dự án để chuyển giao.

“Mục tiêu là hết quý II phải giải ngân 35%. Song đến nay, chúng ta chỉ giải ngân đạt 4,9% là còn quá thấp” - ông nói. Trong đó, với dự án đường vành đai 3, từ ngày 25-5 đến 25-6 phải giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng là hơn 8.000 tỉ đồng. Ông Mãi lưu ý bốn ban lớn chiếm 77% vốn đầu tư công cần siết công tác giải ngân để đạt mục tiêu đặt ra. Song song đó, phải đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo đến ngày 30-6 công tác giải phóng mặt bằng đạt ít nhất 70% diện tích của từng dự án.

Với các dự án lớn, đã khởi công, Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu tập trung quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ, ra vốn sớm.

Chủ tịch UBND TP yêu cầu các cơ quan không được lơ là công tác phòng, chống dịch, đảm bảo giám sát tình hình, theo dõi và có phản ứng phù hợp, kịp thời; không hoang mang, chủ quan. Đồng thời, phải đảm bảo an sinh xã hội khi sản xuất, kinh doanh chưa phục hồi, có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; tập trung hoàn thiện cơ chế liên quan đến thu hút đầu tư nước ngoài…•

Tháo gỡ thủ tục về PCCC, hoạt động đăng kiểm

Tại phiên họp, ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.HCM, đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp TP, kiến nghị chính quyền TP cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn về mặt thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC và các hoạt động liên quan đến đăng kiểm xe cơ giới.

Các thủ tục PCCC hiện nay vẫn chưa gỡ được cho doanh nghiệp để họ sẵn sàng đầu tư kinh doanh. Tình trạng quá tải đăng kiểm hiện gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến vận tải hành khách, hàng hóa…

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nói câu chuyện đăng kiểm không chỉ ảnh hưởng đến chủ phương tiện mà còn ảnh hưởng đến nhiều mặt của xã hội.

“Không chờ hàng tháng hay cả năm để giải quyết vấn đề. Sở GTVT cần chủ động nhìn rõ các vấn đề cần giải quyết trước, có gì đề xuất thì xin để TP thí điểm làm” - ông Mãi nói và yêu cầu ngay sau lễ, Sở GTVT cần có cuộc họp ngay với cơ quan chức năng cao hơn để cùng bàn bạc, tháo gỡ ngay tại địa bàn.

Với vấn đề PCCC mà doanh nghiệp kiến nghị, cần tập trung tháo gỡ quyết liệt, không để vì khúc mắc thủ tục mà khiến các hoạt động kinh doanh trì trệ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm