Cảnh giác với nguy cơ về mất an toàn PCCC của mô hình hộp ngủ, thời gian qua Công an TP.HCM cùng các đơn vị có liên quan đã rà soát, xử lý nhiều trường hợp kinh doanh hộp ngủ vi phạm PCCC. Bên cạnh đó đưa ra giải pháp để ngăn chặn rủi ro về cháy ở những cơ sở kinh doanh cho thuê nhà trọ tập trung đông người.
Địa phương tập trung xử lý hộp ngủ vi phạm
Liên quan vấn đề hộp ngủ, Thượng tá Trần Xuân Phương, Phó trưởng Công an TP Thủ Đức, cho biết thời gian qua đơn vị đã cử cán bộ phối hợp cùng công an phường thường xuyên kiểm tra và kiên quyết xử lý những hộ kinh doanh mô hình hộp ngủ vi phạm các quy định về PCCC.
Chúng tôi yêu cầu các chủ hộ kinh doanh giảm số phòng, số người và tăng lối thoát hiểm thoát nạn. Trên địa bàn TP Thủ Đức không còn hộp ngủ vi phạm.
Thượng tá Trần Xuân Phương, Phó trưởng Công an TP Thủ Đức
Còn theo Công an quận 5, trên địa bàn quận hiện đang có 9 cơ sở kinh doanh mô hình hộp ngủ. Công an quận đã kiểm tra và xử phạt 3 cơ sở vi phạm về PCCC với tổng số tiền hơn 20 triệu đồng. Đồng thời tuyên truyền đến các chủ cơ sở chuyển đổi loại hình kinh doanh từ hộp ngủ sang phòng trọ. Có 4 cơ sở đã chuyển đổi sang phòng trọ, hiện quận 5 còn 5 hộp ngủ đang hoạt động.
Trên địa bàn quận 1 TP.HCM, ông Lê Tấn Châu, Phó trưởng Công an quận 1 cho biết có 31 cơ sở thuộc loại hình hộp ngủ. Quận đã thực hiện 31 lượt kiểm tra ở 31 cơ sở.
"Trong quá trình kiểm tra, quận đã hướng dẫn thực hiện các biện pháp an toàn PCCC. 31 cơ sở cũng ký cam kết và xin thời gian để khắc phục các bất cập, thực hiện đúng các hướng dẫn về PCCC.
Trong quá trình các cơ sở thực hiện giải pháp khắc phục, cơ quan công an định kỳ kiểm tra hàng tuần, giám sát tiến độ thực hiện của cơ sở để đảm bảo việc khắc phục đúng với cam kết. Lực lượng cũng kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng về chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho chủ cơ sở và những người lưu trú tại đây"- ông Lê Tấn Châu thông tin.
Đưa ra giải pháp chống cháy tại nơi tập trung đông người
Theo Công an TP.HCM, thời gian qua đơn vị đã triển khai hoàn thành việc tổ chức rà soát, kiểm tra, phân loại các cơ sở và hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc thực hiện bốn nhóm giải pháp về bố trí công năng, ngăn cháy lan, lối thoát nạn và trang bị phương tiện PCCC.
Trong đó phần lớn các cơ sở nhà nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ đã bố trí, thiết kế lối ra khẩn cấp qua ban công hoặc lô gia các tầng, lối lên sân thượng hoặc mái dẫn đến khu vực lánh nạn khác.
Tại các lối ra khẩn cấp đã được trang bị các thiết bị hỗ trợ thoát nạn khẩn cấp như thang kim loại, thang dây, ống tụt hoặc dây thả chậm... phù hợp với đặc điểm của ngôi nhà.
Đợt cao điểm, các đơn vị đã thực hiện xử phạt vi phạm hành chính, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động hoặc phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, từ đó ngăn chặn kịp thời nguy cơ phát sinh cháy, nổ ở các cơ sở.
Cụ thể, Công an TP đã tổ chức kiểm tra 63.269/63.471 cơ sở tập trung đông người, nguy cơ cháy nổ cao trên địa bàn. Trong đó ghi nhận có 202 cơ sở ngừng hoạt động, giải thể.
Qua kiểm tra phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 2.322 hành vi vi phạm về PCCC, với tổng số tiền phạt là hơn 3,76 tỉ đồng; đình chỉ hoạt động đối với 35 cơ sở và tạm đình chỉ hoạt động đối với 13 cơ sở.
Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật và kỹ năng về PCCC của Cơ quan Cảnh sát PCCC và cơ quan thông tin truyền thông được đẩy mạnh, đặc biệt là qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok, Help 114…) đã lan tỏa, chuẩn bị những kiến thức cơ bản về PCCC cho người dân TP.
Hiện Công an TP đang nỗ lực thực hiện các biện pháp để tăng cường công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao, cần có sự chung tay góp sức của mỗi cá nhân và tập thể.
"Mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về PCCC, tham gia tập huấn và trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng ngừa và xử lý cháy nổ" - thông tin từ Công an TP.HCM.
TP có khoảng 60.500 công trình nhà trọ tư nhân đang kinh doanh
Sở Xây dựng TP.HCM thông tin liên quan thực trạng nhà ở riêng lẻ do tư nhân tự xây dựng và hoạt động kinh doanh nhà trọ trên địa bàn TP.HCM như sau:
Nhóm 1: Dãy phòng cho thuê độc lập (tập trung chủ yếu trên địa bàn quận 7, quận 12, quận Gò Vấp, quận Bình Tân, TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh) có 34.800 công trình. Trong đó, tổng số phòng cho thuê là 357.246 phòng, tổng diện tích sàn xây dựng 6.275.913m2, tổng số người cho thuê tối đa 943.341 người.
Nhóm 2: Nhà ở riêng lẻ ngăn chia từng phòng để cho thuê (tập trung chủ yếu trên địa bàn quận 7, quận 10, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Bình, Bình Thạnh, TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh) có 25.670 công trình. Trong đó tổng số phòng cho thuê 202.973 phòng; tổng diện tích sàn xây dựng 3.193.186m²; tổng số người cho thuê tối đa 486.726 người.
Kết quả kiểm tra của Sở Xây dựng cho thấy có khoảng 60.500 công trình nhà trọ tư nhân đang kinh doanh trên địa bàn TP, trong đó rất nhiều nhà được người dân xây dựng, có tình trạng sai phép hoặc tự ý chuyển đổi loại hình từ nhà ở riêng lẻ sang cho thuê trọ nhưng chưa được cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn PCCC xét duyệt, nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Bên cạnh đó, thực tế báo động hiện nay là sự an toàn của người dân sinh sống trong khu trọ không đảm bảo cả PCCC, vệ sinh môi trường, an toàn nước sinh hoạt...
Đồng thời, vẫn tồn tại khoảng trống trong quản lý nhà nước lĩnh vực PCCC, trật tự xây dựng sau cấp phép xây dựng, quản lý loại hình kinh doanh nhà cho thuê trọ, quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh này... thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước tại địa phương (cấp quận huyện, phường xã).