Tại đây, đoàn ghi nhận tại cơ sở thứ nhất có khoảng 115 kg hoa chuối đang sơ chế gần khu vực tập kết rác, hoa chuối đã bào được ngâm trong nước có chứa hóa chất tẩy trắng và hàn the. Tổng số hóa chất sử dụng ngâm hoa chuối bào là khoảng 45 kg hàn the và bột tẩy trắng. Số tang vật này đã được Công an phường Hiệp Bình Phước tạm giữ.
Hoa chuối bị ngâm hóa chất và không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Tiền Phong
Còn tại cơ sở thứ 2 có khoảng 50 kg hoa chuối đang sơ chế trong điều kiện được xây dựng tạm bợ, dưới nền nhà đọng nước, cạnh nhà vệ sinh, hóa chất sử dụng ngâm hoa chuối bào không có nhãn mác rõ ràng. Cả hai cơ sở không có đại diện chủ cơ sở tiếp đoàn và cũng chưa xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, hóa chất sử dụng trong chế biến hoa chuối bào…
Tác hại của hàn the
Liên hệ với PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (Cán bộ Viện Công hệ sinh học và thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội) ông cho biết cơ quan cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo PGS, hàn the (có tên hóa học là borax, công thức hóa học là Na2B4O7) là một chất bị Bộ Y Tế cấm sử dụng làm chất phụ gia trong chế biến thực phẩm. "Xét về mặt kỹ thuật, chúng có tính sát khuẩn nhẹ, chống được vi sinh vật, làm cho thực phẩm trở nên dai, giòn, bảo quản được lâu hơn thông thường nên hay được các cơ sở chế biến cho vào thực phẩm nhằm kéo dài thời gian sử dụng và tạo cảm giác ngon miệng khi ăn. Tuy nhiên, nếu sử dụng hàn the trong thực phẩm lại gây nguy hiểm", PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết.
Cũng theo ông, con người ăn phải thực phẩm sử dụng hàn the sẽ tích lũy trong cơ thể, tùy liều lượng có thể gây nên những triệu chứng cấp tính và mạn tính. Lúc này hàn the đi vào cơ thể, ngấm vào tế bào máu và não, làm các tế bào thần kinh hoạt động không bình thường, dẫn tới tình trạng đần độn.
Thêm vào đó, hàn the còn gây hại cho gan, thận gây rối loại chức năng, yếu ớt, bất lực, rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc. Với da thì gây ban đỏ dẫn đến tróc vẩy, hàn the hậm chí còn làm teo tinh hoàn, vô sinh hoặc các tai biến hệ tiêu hóa đối với ai sử dụng nhiều, ông Thịnh cho biết.
Do đó ở một số sản phẩm nhập khẩu vào EU có chứa hàn the được yêu cầu phải dán nhãn với các cảnh báo "Có thể ảnh hưởng khả năng sinh sản" và "Có thể làm sẩy thai". Ở một số quốc gia như Mỹ, người ta chỉ sử dụng hàn the trong lĩnh vực tẩy rửa, làm sạch sàn nhà, thông đường ống thoát nước...
Điều đáng nói, khi vào trong cơ thể, hàn the tác dụng với axit trong dịch vị dạ dày giải phóng ra axit boric. Hoạt chất này có tác dụng ức chế thực bào, làm giảm sức đề kháng của cơ thể, nó có đặc tính gắn kết với thực phẩm làm cho thực phẩm khó được tiêu hóa hơn bình thường rất nhiều. Hàn the không bị thải loại hoàn toàn mà nó có khả năng tích tụ lên đến 15% lượng tiếp nhận vào cơ thể. Tuy nhiên, những thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày nếu có hàn the thì lượng độc tố cũng không đủ cao để khiến chúng ta bị ngộ độc cấp tính hay tử vong ngay mà sẽ tích tụ dần dần, khó phát hiện.
Tác hại của chất tẩy trắng
Đối với chất tẩy trắng, PGS-TS Nguyễn Duy THịnh trình bày quan điểm: Mặc dù chưa rõ chất tẩy trắng ở đây là gì, tuy nhiên cũng cần tịch thu và cấm sử dụng bởi nếu sử dụng chất tẩy trắng không rõ nguồn gốc, hoặc không biết cách sử dụng, liều lượng quy định thì gây hại cho sức khỏe.
"Tuy nhiên trên thực tế, một số chất tẩy trắng như Hydrogen Peroxide (oxy già), Sunphit Magiê, Sunphua Dioxit, Natri Oxit... đều được phép sử dụng ở liều lượng đúng quy định nên người dân không nên hoang mang. Bởi một số chất trên có tính sát khuẩn tốt, làm giảm bớt một phần vi khuẩn độc hại có thể bám dính bên ngoài thực phẩm", PGS-TS Thịnh chia sẻ.
Tuy nhiên, PGS cũng lưu ý mọi chất đều bắt buộc phải sử dụng theo đúng quy định và có hướng dẫn của chuyên gia. Và cũng không vì sử dụng các chất tẩy trắng trong danh mục an toàn mà dùng bừa bãi. Để làm sạch, sát khuẩn thực phẩm, trước tiên nên dùng muối, chanh, giấm...