Tính đến cuối tháng 7-2020, TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả sau thời gian triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19-10-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.
Nhiều chính sách hỗ trợ rác dân lập chuyển đổi mô hình
Liên quan công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), Sở TN&MT đã trình UBND TP về các nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ cho lực lượng thu gom rác dân lập chuyển đổi mô hình hoạt động lên hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.
Theo đó, Sở TN&MT đề xuất nhiều chính sách ưu đãi, như: hỗ trợ lệ phí đăng ký hợp tác xã, hỗ trợ vốn vay, lãi suất vay từ Quỹ Bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, hỗ trợ kinh phí cho chủ phương tiện thực hiện chuyển đổi phương tiện thu gom rác thải sinh hoạt, hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho các hợp tác xã thu gom, vận chuyển rác…
TP.HCM đang tiếp tục rà soát để hỗ trợ lực lượng thu gom rác dân lập chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển rác. Ảnh: CN
Ngoài ra, Sở TN&MT còn đề xuất chính sách hỗ trợ giảm học phí, đào tạo nghề để giải quyết việc làm hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ đào tạo lái xe hoặc chuyển đổi hạng của bằng lái xe khi chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển rác theo quy định của thành phố.
Hiện UBND TP đã chấp thuận cho Sở TN&MT phối hợp với các cơ quan chức năng và UBND quận, huyện xây dựng chính sách hỗ trợ các đơn vị rác dân lập chuyển đổi mô hình hoạt động thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức có tư cách pháp nhân. Trong đó bao gồm chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho các hợp tác xã thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và chính sách hỗ trợ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân.
Chuyển đổi nhiều mô hình
Trong 7 tháng đầu năm 2020, các quận huyện đã tổ chức, sắp xếp lại lực lượng thu gom rác dân lập tại địa phương mình. Trong đó, các quận, huyện đã vận động thêm 502 đường dây thu gom rác dân lập vào các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, nâng tổng số đường dây thu gom rác dân lập đã được vận động là 2.366 đường dây, tỷ lệ chuyển đổi là 88,5% (tăng 18,8% so với thời điểm cuối năm 2019 là 69,7%).
Trong tương lai gần, các loại phương tiện thu gom, vận chuyển rác như thế này sẽ không được hoạt động nữa.
Qua rà soát, cập nhật báo cáo của UBND 24 quận, huyện, tính đến 7 tháng đầu năm 2020, thành phố đã có 35 hợp tác xã, 170 công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường và hiện còn 308 tổ/đường dây thu gom rác dân lập chưa có tư cách pháp nhân còn hoạt động trên địa bàn TP.
Bên cạnh hỗ trợ việc chuyển đổi mô hình, TP.HCM còn thực hiện việc chuẩn hóa phương tiện thu gom vận chuyển CTRSH. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2020, UBND 24 quận, huyện đã tiếp tục rà soát, chuyển đổi thêm 163 phương tiện thu gom, vận chuyển. Đồng thời, qua cập nhật báo cáo của UBND của 24 quận, huyện sau khi rà soát đến 7 tháng đầu năm 2020, tổng số lượng phương tiện thu gom hiện hữu của thành phố là 6.776 phương tiện, nhu cầu chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển mới của 24 quận, huyện là 1.943 phương tiện.
Để đảm bảo chất lượng vệ sinh, mỹ quan đô thị của thành phố, trong 7 tháng đầu năm 2020, các quận, huyện trên địa bàn TP đã trang bị thêm 3.724 thùng rác công cộng trên các tuyến đường và tuyến hẻm trên địa bàn phục vụ nhu cầu thải bỏ rác sinh hoạt của người dân thành phố; rà soát, thống kê có 373 thùng rác bị mất, hư hỏng...; nâng tổng số thùng rác công cộng được trang bị trên địa bàn Thành phố đến nay là hơn 37.000 thùng. |